Sendo và Tiki đang thảo luận khả năng sáp nhập?
DealStreetAsia dẫn lời một số nguồn tin tiết lộ rằng Tiki và Sendo, 2 trang thương mại điện tử nội địa lớn nhất đang cạnh tranh trên thị trường là Tiki và Sendo, đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để thảo luận việc sáp nhập.
Một số nhà phân tích nhận định mục tiêu chính của việc sát nhập giữa Tiki và Sendo là tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ ngoại như Lazada và Shopee, bớt một đối thủ mạnh và tăng khả năng chịu lỗ bằng tiềm lực tài chính.
Giới quan sát nhận định Tiki và Sendo đang là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp theo đúng nghĩa đen vì cả hai đều lựa chọn hoạt động ở thị trường nội địa.
2019 là một năm sôi động với thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Từ cuộc đua song mã giữa Shopee và Lazada năm 2018, thị trường chứng kiến thành cuộc chơi của "tứ đại gia" với sự bứt phá mạnh mẽ của Tiki và Sendo.
Khả năng chịu lỗ trở thành yếu tố then chốt để chiếm thị phần và giữ vị thế. Nếu năm 2016, nhóm tứ đại gia thương mại điện tử chỉ lỗ 1.700 tỷ đồng thì đến năm nay, con số đã tăng gấp 3 lần, lên 5.100 tỷ đồng.
Mọi đối thủ đều đang chạy đua ưu đãi để duy trì vị trí nếu không muốn tay trắng rời cuộc chơi. Nếu như năm 2016, mức lỗ 1.000 tỷ của Lazada gây kinh ngạc thì chẳng bao lâu, Shopee đã lỗ gấp đôi con số này.
Sau 4 năm, Lazada mất nhiều nhất với hơn 7.000 tỷ thế nhưng hiện tại, sàn thương mại điện tử này lại đánh mất vị trí thứ ba vào tay đối thủ. Trong khi đó, Shopee còn chưa phát sinh doanh thu từ việc thu phí trung gian bán hàng.
Dù vậy, năm 2019 vẫn chứng kiến sự trỗi dậy của các tên tuổi nội trong top 3 như Sendo, Tiki. Dù nguồn tài chính eo hẹp hơn so với 2 đại gia ngoại, nhưng cả 2 doanh nghiệp cùng với Momo đã huy động thành công số vốn lớn nhất trong 3 năm.
Trong vòng gọi vốn gần nhất hồi năm ngoái, Tiki đã huy động thành công 100 triệu USD, bao gồm 75 triệu USD từ North Star Group và các nhà đầu tư khác.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Sendo gọi vốn thành công 61 triệu USD ở vòng Series C từ các cổ đông hiện hữu cũng như hai nhà đầu tư mới EV Growth của Indonesia và Kasikornbank của Thái Lan, theo DealStreetAsia.
Ông Trần Hải Linh, CEO của Sendo, tiết lộ rằng công ty dự định sẽ dùng số vốn để tiếp tục có thêm những ưu đãi cho khách hàng, đồng thời nâng cấp hệ thống công nghệ sử dụng AI để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Hiện tại, Sendo đang tập trung vào các tỉnh thành kém phát triển hơn. Đây là một thị trường cực kì tiềm năng tại Việt Nam với hơn 70 triệu dân.
Số liệu mà Sendo tự công bố cuối năm ngoái cho thấy công ty thu hút thành công 500.000 người bán hàng trên nền tảng với 17 triệu mặt hàng và 12 triệu khách hàng.
Senpay, dịch vụ thanh toán của Sendo, cũng là ví điện tử đầu tiên được cấp phép ở Việt Nam. Hiện tại Senpay đang đứng thứ ba về tổng giá trị giao dịch trên toàn quốc.
Báo cáo về ngành thương mại điện tử của iPrice cho thấy, Sendo đã vượt qua Tiki trở thành ứng dụng thương mại điện tử có số lượt tải xuống nhiều thứ hai và có số lượng truy cập nhiều thứ hai tại Việt Nam. Shopee vẫn giữ vị thế hàng đầu ở thị trường quốc nội.