Từ châu Mỹ, Âu đến châu Đại Dương, thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo trẻ tuổi
Tổng thống thứ 44 của Mỹ Barack Obama là nguồn cảm hứng cho các lãnh đạo trẻ hiện nay. Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters. |
Cựu Tổng thống Obama, nhà lãnh đạo trẻ thứ 5 trong lịch sử Mỹ
Năm 2009, ông Barack Obama được bầu làm thổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Ở tuổi 47, ông trở thành nhà lãnh đạo trẻ thứ 5 trong lịch sử xứ cờ hoa. Theodore Roosevelt là vị tổng thống trẻ tuổi nhất, làm chủ Nhà Trắng vào năm 42 tuổi. Tiếp theo là John F. Kennedy và Bill Clinton, lần lượt trở thành tổng thống Mỹ ở tuổi 43 và 46.
Ông Barack Obama đắc cử tổng thống lần đầu tiên vào năm 2009 khi tin tức và các cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trên mạng Internet, và tái đắc cử vào năm 2013 khi mạng xã hội đã lấn át các phương tiện truyền thông khác. Người kế nhiệm - Donald Trump có thể xóa bỏ mọi di sản mà ông Obama để lại. Song có một thứ ông Trump không thể thay đổi, đó là tầm ảnh hưởng và nguồn cảm hứng mà ông Obama đã để lại cho thế hệ các lãnh đạo trẻ hiện nay.
Justin Trudeau, người tiên phong trong xu hướng trẻ hóa chính trường Canada
Không ở đâu mà xu hướng trẻ hóa các nhà lãnh đạo lại rõ ràng như tại quốc gia láng giềng phía bắc của Mỹ, Canada. Justin Trudeau là ví dụ tiêu biểu nhất của xu hướng này.
Ông Trudeau trở thành Thủ tướng Canada vào năm 2015 khi mới 43 tuổi và ngay lập tức nổi lên như một biểu tượng của nền chính trị tự do. Vị thủ tướng trẻ tuổi luôn lên tiếng bênh vực người tị nạn Syria, nới lỏng các chính sách nhập cư, chỉ định các thành viên nội các thuộc nhiều dân tộc khác nhau với số lượng nam nữ đồng đều. Những điều này đã khiến tạp chí Rolling Stone phải thốt lên câu hỏi liệu ông Trudeau có phải là “niềm hy vọng lớn nhất của thế giới tự do” hay không.
Cũng trong làn sóng trẻ hóa trên chính trường Canada, ông Jagmeet Singh, 38 tuổi, vừa được bầu làm lãnh đạo Đảng Dân chủ Mới (NDP). Nhưng ông Singh vẫn chưa phải người trẻ nhất mà là lãnh đạo Đảng Bảo thủ Andrew Scheer, trẻ hơn ông Singh 4 tháng tuổi.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một chuyến thăm Nhà Trắng. Ảnh: Andrew Harnik/AP. |
Emmanuel Macron, từ chuyên viên ngân hàng đến chủ nhân Điện Elysee
Bên kia bờ Đại Tây Dương, dàn lãnh đạo trẻ trung thuộc Thế hệ X (những người sinh ra trong giai đoạn 1961 – 1981) cũng liên tiếp khynh đảo chính trường "lục địa già" châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kiêu hãnh bước vào Điện Elysee tại thủ đô Paris khi mới 39 tuổi và cũng là lãnh đạo Pháp trẻ nhất kể từ thời Vua Napoleon. Trước đó, ông Macron, một cựu chuyên gia ngân hàng đầu tư, đã giành chiến thắng vang dội trước Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen với 65% số phiếu ủng hộ. Sau khi nhậm chức, ông Macron đã lãnh đạo đảng En Marche! (Tiến lên!) của mình tiếp tục chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử nghị viện Pháp khi giành 351 trong số 577 ghế.
Ông Emmanuel Macron bước vào Điện Elysee khi mới 39 tuổi. Ảnh: Stephane Mahe/Reuters. |
Alexi Tsipras, vị thủ tướng đời thường của Hy Lạp
Tháng 1/2015, ông Alexi Tsipras lần đầu được bầu làm Thủ tướng Hy Lạp khi mới 40 tuổi, chỉ 6 năm sau khi giữ vị trí lãnh đạo liên minh đảng Syriza, một nhóm các đảng cánh tả cực đoan. Ông Tsipras được giao nhiệm vụ biến Syriza từ liên minh các đảng nhỏ thành một đảng cầm quyền tại Hy Lạp.
Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Alexi Tsipras đã từ chối đọc lời thề tôn giáo và cho biết điều đó đi ngược lại nguyên tắc của ông, một người vô thần. Sau khi trở thành thủ tướng, ông vẫn ung dung dạo quanh phố phường thủ đô Athens trên chiếc mô tô của mình như trước đây.
Ông Tsipras cũng gây không ít ấn tượng lẫn tranh cãi với thói quen không thắt cà vạt của mình. Vào ngày 3/2/2015, sau buổi họp báo chung tại Rome, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã bất ngờ tặng ông Tsipras một chiếc cà vạt đen. Vị Thủ tướng Hy Lạp đã nói với người đồng cấp rằng "Tôi sẽ thắt cà vạt khi chúng ta giải quyết xong tình trạng nợ nần của Hy Lạp".
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhận món quà bất ngờ từ người đồng cấp Italy. Nguồn: Daily Sabah. |
Sebastian Kurz, ứng viên sáng giá cho nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới
Và hiện tại, mọi ánh mắt đang đổ dồn về ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng Áo, vị lãnh đạo 31 tuổi của Đảng Nhân dân Áo (OVP) Sebastian Kurz. Trong cuộc bầu cử lập pháp Áo vừa qua, Đảng OVP của ông Kurz dẫn đầu với 31,4% phiếu bầu, đánh bại Đảng Tự do (FPO) và Đảng Dân chủ Xã hội (26,7%), theo kết quả sơ bộ từ Bộ Nội vụ Áo.
Nếu trở thành Thủ tướng Áo, ông Sebastian Kurz sẽ là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới hiện nay. Vào năm 2013, ông đã trở thành ngoại trưởng trẻ tuổi nhất châu Âu. Ở tuổi 27, ông Kurz đã chủ trì các buổi đối thoại giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Pháp và Iran về vấn đề hạt nhân. Đến năm 2015, các bên đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử tại Vienna, Áo.
Nếu trở thành tân Thủ tướng Áo, ông Sebastian Kurz sẽ là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Dominic Ebenbichler/Reuters. |
Jacinda Ardern, nữ chính trị gia quyền lực trẻ của New Zealand
Đất nước New Zealand cũng vừa đóng góp cho thế giới một nữ lãnh đạo trẻ tuổi. Bà Jacinda Ardern vừa trở thành Thủ tướng thứ 40 của nước này vào ngày 26/10 vừa qua. Nhờ kỹ năng giao tiếp sắc bén và các cam kết tranh cử, bà Ardern đã tạo ra bước ngoặc lịch sử cho Đảng Lao động trong cuộc bầu cử sau khi đảng này bị bỏ xa phía sau với 26% tỷ lệ ủng hộ chỉ hai tháng trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra.
Chưa dừng lại ở đó, bà Jacinda Ardern còn lọt vào danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes vừa công bố ngày 2/11, chỉ một tuần sau khi nhậm chức thủ tướng. Theo đó, bà Ardern xếp thứ 13 trong danh sách các nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Đứng đầu danh sách này là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May và nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Tsa Ing-Wen).
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern là một trong những nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Ảnh: Rebekah Parsons-King/Radio New Zealand. |
Với sự xuất hiện của hàng loạt lãnh đạo trẻ tuổi từ Canada, New Zealand, châu Âu và nhiều quốc gia khác, thế giới đang chờ đợi và hy vọng vào một nền chính trị cởi mở hơn trong tương lai.