Dấu ấn các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018
Thủ tướng Ấn Độ cảnh báo 3 hiểm họa toàn cầu lớn nhất hiện nay | |
Canada đồng ý ký kết CPTPP vào tháng 3 tới |
Thị trấn nhỏ Davos tại vùng núi Alps của Thụy Sỹ - điểm hẹn hàng năm của Diễn đàn Kinh tế thế giới, vinh dự đón tiếp hàng loạt nhân vật quan trọng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.
Davos là điểm hẹn hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Nguồn: WEF. |
Vua Felipe Đệ tứ của Tây Ban Nha, lần đầu tiên phát biểu tại Davos, đã lên tiếng bảo vệ hiến pháp nước này. Về phong trào ly khai tại Catalonia, ông cho biết, “một bài học từ cuộc khủng hoảng này, một bài học không chỉ cho Tây Ban Nha mà cho các nền dân chủ nói chung, là sự cần thiết phải duy trì tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đều nhất trí xây dựng Cộng đồng Châu Âu thống nhất bất chấp Anh rút khỏi EU. Về vấn đề Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng cần nhiều hành động hơn là lời nói để xây dựng một nền thương mại tự do. Bà đảm bảo rằng, sau Brexit, nước Anh vẫn tiếp tục ủng hộ giao dịch thương mại không biên giới.
Sau đây là những dấu ấn của các nhà lãnh đạo thế giới tại WEF năm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn: Carlos Barria/Reuters. |
Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump có lẽ là sự kiện được chờ đợi nhất tại WEF 2018. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm tham dự WEF kể từ lần Tổng thống Bill Clinton đến Davos vào năm 2000.
Ông cho biết, “chúng ta không thể có một nền thương mại mở và tự do nếu một số quốc gia lợi dụng hệ thống để gây thiệt hại cho các quốc gia khác”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn CNBC, ông Trump cho biết “đồng USD ngày càng mạnh hơn và cuối cùng thì tôi vẫn muốn một đồng USD mạnh”. Trước đó chỉ một ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã khiến thị trường tài chính “chao đảo” khi nhận định đồng USD yếu có lợi cho nước Mỹ. Trong một cuộc đối thoại do CNBC chủ trì, ông Mnuchin cho biết đồng USD suy yếu trong ngắn hạn “không phải việc của tôi”.
Còn theo tờ The Financial Times, Tổng thống Trump cho biết “nước Mỹ là trên hết không có nghĩa là nước Mỹ cô độc” và “chưa có thời điểm nào tốt hơn để đầu tư vào nước Mỹ”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nguồn: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images. |
Được cộng đồng kinh doanh hoan nghênh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết cải cách nước Pháp và châu Âu với một chiến lược trung hạn, nhằm tạo ra sự minh bạch cho các nhà đầu tư.
“Hãy thành thật với nhau, toàn cầu hóa đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và thách thức này cần được các quốc gia và cộng đồng xã hội chung tay giải quyết để tìm ra và thực thi các giải pháp toàn cầu”, ông Macron phát biểu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nguồn: Jason Alden/Bloomberg/Getty Images. |
Nước Đức đang trải qua giai đoạn bế tắc chính trị - vấn đề mà châu Âu muốn nước này giải quyết càng sớm càng tốt để cộng đồng chung châu Âu có thể tiếp tục hội nhập sâu rộng.
Phát biểu tại Davos, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận nước Đức cũng đang đối mặt với những thách thức của mình. “Thật ra thì đất nước mà tôi vinh hạnh được đại diện và làm thủ tướng đang gặp nhiều khó khăn. Sự chia rẽ là điều mà chúng tôi đang nhìn thấy trong xã hội, điều mà chúng tôi chưa từng chứng kiến nhiều thập kỷ qua”, bà Merkel cho biết.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nguồn: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images. |
Tại Davos, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói về “xu hướng đáng lo ngại” chống lại toàn cầu hóa và ủng hộ chủ nghĩa cô lập.
“Các thế lực của chủ nghĩa bảo hộ đang thách thức toàn cầu hóa với mục tiêu không chỉ chống lại quá trình này mà còn muốn đảo ngược dòng chảy tất yếu của nó”, ông Modi cho biết.
Vị thủ tướng Ấn Độ cũng chỉ ra những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt ở thời điểm hiện tại. Ông Modi cho rằng mối đe dọa lớn nhất đến từ tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn đến các điều kiện thời tiết cực đoan, thiên tai và nước biển dâng, đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân trên toàn thế giới.
Mối đe dọa tiếp theo là chủ nghĩa khủng bố và xu hướng cực đoan hóa tại nhiều xã hội hiện nay. Thủ tướng Modi lên tiếng chỉ trích các cường quốc trên thế giới vì đã khiến tình hình thêm tồi tệ khi phân biệt một cách giả tạo giữa “khủng bố xấu” và “khủng bố tốt”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Nguồn: WEF. |
Ngày 23/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành phần lớn thời gian để thảo luận về các ưu điểm của thương mại toàn cầu.
“Để đấu tranh chống lại xu hướng chống thương mại trong toàn cầu hóa vốn đang khiến tất cả thua cuộc, chúng tôi phải đặt những lo ngại và lợi ích của người dân lên trên hết trong các vòng đàm phán; và đó là điều chúng tôi đã làm được với CPTPP. Chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận thêm nhiều thỏa thuận thương mại khác miễn là chúng mang lại lợi ích cao nhất cho người dân của chúng tôi”, ông Trudeau cho biết.
Bên cạnh đó, vị thủ tướng Canada cũng cho biết nước này đang thuyết phục Tổng thống Donald Trump rằng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mang lại lợi ích cho cả Mỹ, Canada và phần còn lại của thế giới.