|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ 1/4, Việt Nam tổng điều tra dân số và nhà ở kéo dài 25 ngày

18:45 | 13/03/2019
Chia sẻ
Bắt đầu từ 0h ngày 1/4, Việt Nam sẽ chính thức tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5, kéo dài trong 25 ngày.

Chiều nay (13/3), Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được tổ chức tại 775 điểm cầu trên cả nước. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cho biết, từ khi thành lập nước đến nay, đây là lần thứ 5 Việt Nam tổng điều tra dân số và nhà ở. Cuộc tổng điều tra gần đây nhất được thực hiện vào ngày 1/4/2009, cách đây 10 năm.

Từ 1/4, Việt Nam tổng điều tra dân số và nhà ở kéo dài 25 ngày - Ảnh 1.

Từ 1/4, Việt Nam tổng điều tra dân số và nhà ở kéo dài 25 ngày. Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị trực tuyến hôm nay nhằm rà soát lại mục tiêu, ý nghĩa và đặc biệt là công tác chuẩn bị để cả nước tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở vào đầu tháng sau, bắt đầu từ ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày.

Theo Phó thủ tướng, kết quả điều tra nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011 – 2020; đồng thời là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước)...

Phó thủ tướng cũng khẳng định, cuộc tổng điều tra lần này sẽ triệt để nhất và ghi nhận sự tham gia lớn nhất từ trước đến nay của công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc điều tra sẽ giúp quá trình điều tra diễn ra thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an toàn, an ninh trong thu thập, lưu trữ thông tin.

Phó thủ tướng nhắc nhở các bộ, ban, ngành có liên quan cần chú ý tránh những rủi ro, sự cố có thể phát sinh trong quá trình tổng hợp, lưu trữ và bảo mật dữ liệu.

"Cuộc tổng điều tra lần này sẽ khác so với 10 năm trước đây, trình độ phát triển kinh tế xã hội của chúng ta đã rất khác, đặc biệt là trình độ phát triển công nghệ thông tin", Phó thủ tướng nói và cho biết thêm, đặc điểm phân bố dân cư của chúng ta rất khác so với trước đây. "Nếu chúng ta điều tra không chính xác thì sau này tất cả vấn đề liên quan đến hoạch định kinh tế xã hội sẽ không có thông tin đầy đủ".

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, lực lượng tham gia Tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ).

Công tác lập Bảng kê hộ đã hoàn thành vào ngày 20/01/2019. Tổng số có 217.586 địa bàn điều tra với 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành công an, quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng) được lập bảng kê. Trong đó, nữ chiếm 50,4%; TP HCM dẫn đầu cả nước về tổng số hộ và số người được lập bảng kê, tương ứng là 2,5 triệu hộ và 8,9 triệu người; thành phố Hà Nội có 2,2 triệu hộ và 7,9 triệu người.

Tổng số hộ đăng ký tự cung cấp thông tin trên internet là 68.990 hộ, chiếm 0,26%. Trong đó, số lượng hộ đăng ký nhiều nhất là tại 3 thành phố: Hà Nội (13.228 hộ), Đà Nẵng (7.002 hộ) và TP HCM (27.501 hộ).

Bắt đầu từ 0h ngày 1/4, Việt Nam sẽ chính thức tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5. Cuộc Tổng điều tra 2019 sẽ tập trung vào 10 nội dung:

- Thông tin chung về dân số

- Tình trạng di cư

- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật

- Tình trạng khuyết tật

- Tình trạng hôn nhân

- Mức độ sinh chết và phát triển dân số

- Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em

- Tình hình lao động việc làm

- Thực trạng nhà ở

- Điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư

Khánh Hà