|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TTCK Việt Nam vắng bóng quĩ đầu tư có NAV tỉ USD sau bán tháo, Dragon Capital dự báo thận trọng hơn về vĩ mô và thị trường

11:05 | 03/04/2020
Chia sẻ
Việc giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL giảm xuống dưới ngưỡng 1 tỉ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức vắng bóng quĩ đầu tư có qui mô tỉ USD trên thị trường. Điều này đã cho thấy tác động lớn của dịch COVID-19 đến những nhà đầu tư tổ chức.

NAV của quĩ VEIL dưới ngưỡng 1 tỉ USD

Trong báo cáo đầu tư công bố mới đây, quĩ đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam– Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cho thấy giá trị tài sản ròng của quĩ xuống dưới ngưỡng 1 tỉ USD. Cụ thể, tính đến ngày 31/3, quĩ đầu tư do nhóm Dragon Capital quản lí có NAV là 973,9 triệu USD.

Trước đó, trong báo cáo tuần (19 – 26/3), tỉ suất lợi nhuận đầu tư của quĩ VIEL là âm 29,14%, cao hơn mức giảm 29,08% của VN-Index và 27,8% của VN30-Index. Với kết quả đầu tư như hiện tại, quĩ VEIL gần như mất trắng các thành quả có được kể từ tháng 3/2017.

TTCK Việt Nam vắng bóng quĩ đầu tư có NAV tỉ USD sau bán tháo, Dragon Capital dự báo thận trọng hơn về vĩ mô và thị trường - Ảnh 1.

Hiệu suất đầu tư của quĩ VEIL tính đến ngày 26/3. Nguồn: VEIL

VEIL được biết đến là quĩ đầu tư có qui mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Với số liệu mới nhất này, tính đến cuối tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức vắng bóng quĩ đầu tư có qui mô tỉ USD.

Nhưng một điểm tích cực với quĩ đầu tư này là việc giữ chân được các nhà đầu tư khi chỉ bị rút ròng nhẹ trong quí đầu tiên của năm nay. Tính đến ngày 26/3, số lượng chứng chỉ quĩ phát hành của quĩ VEIL là 217,86 triệu ccq, giảm nhẹ so với số 218,06 triệu ccq ghi nhận tại ngày 26/12/2019.

Về danh mục đầu tư của VEIL, khẩu vị ưa thích của quĩ ngoại này vẫn là nhóm Ngân hàng và Bất động sản khi phân bổ tỉ trọng lần lượt 26,83% và 26,74% danh mục đầu tư vào các cổ phiếu thuộc hai nhóm này.

TTCK Việt Nam vắng bóng quĩ đầu tư có NAV tỉ USD sau bán tháo, Dragon Capital dự báo thận trọng hơn về vĩ mô và thị trường - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của VEIL. Nguồn: VEIL

Ghi nhận tại thời điểm ngày 26/3, 4 cổ phiếu ngân hàng có tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quĩ VEIL gồm ACB (tỉ trọng 8,29%), MBB (4,97%), VCB (3,6%) và VPB (3,21%). Cổ phiếu MWG của Thế giới Di động vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của quĩ này. Ngoài ra, những mã chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục đầu tư của VEIL còn có VHM, KDH, HPG, FPT và HPX. Danh mục này không có nhiều biến động so với thời điểm cuối năm 2019.

Những dự báo thận trọng hơn của Dragon Capital về thị trường

Trở lại câu chuyện đầu tư năm 2020, với kết quả đầu tư có thể nói là tồi tệ nhất trong 4 năm trở lại đây, đội ngũ phân tích và quản lí quĩ của Dragon Capital cho thấy quan điểm thận trọng hơn về thị trường năm nay trong buổi chia sẻ mới đây.

TTCK Việt Nam vắng bóng quĩ đầu tư có NAV tỉ USD sau bán tháo, Dragon Capital dự báo thận trọng hơn về vĩ mô và thị trường - Ảnh 3.

Nguồn: Dragon Capital

Về dòng vốn trên thị trường, năm 2020 ghi nhận giá trị rút ròng kỉ lục của khối ngoại trên thị trường vốn. Theo tổng hợp của người viết, tính đến hết tháng 3, khối ngoại rút ròng hơn 10.000 tỉ đồng trên thị trường (tương đương 430 triệu USD).

Giá trị rút ròng của NĐT nước ngoài đã gấp hơn 3 lần giá trị bán ròng thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, theo góc nhìn từ đội ngũ phân tích của Dragon Capital, việc tỉ giá ổn định là một điểm tích cực của thị trường.

TTCK Việt Nam vắng bóng quĩ đầu tư có NAV tỉ USD sau bán tháo, Dragon Capital dự báo thận trọng hơn về vĩ mô và thị trường - Ảnh 4.

Nguồn: Dragon Capital

Về định giá của thị trường, ông Bill Stoops, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital dự phóng danh mục 60 cổ phiếu của Dragon Capital có P/E đạt khoảng 8,7 lần trong năm 2020. EPS của các cổ phiếu này ước tính giảm 2% trong năm nay.

Được biết, danh mục 60 cổ phiếu được Dragon Capital đưa ra đang chiếm khoảng 71% vốn hóa thị trường và đóng góp 76% vào VN-Index. Mức định giá P/E trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ "rẻ" bằng một nửa so với năm 2017.

Nói về mức định giá doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam, cuối tháng 3, người đứng đầu của Pyn Elite Fund cho rằng thị trường đang được định giá thấp. Không riêng Pyn, trong báo cáo tháng 2, nhiều quĩ vẫn cho rằng sự ổn định vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng của của Việt Nam là điểm cộng. Dường như, đó chỉ là quan điểm lạc quan của những người nắm giữ nhiều cổ phiếu.

Trong bổi cảnh nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, Dragon Capital cũng cho thấy góc nhìn thận trọng hơn về triển vọng vĩ mô.

Trong kịch sản cơ sở là dịch COVID-19 được ngăn chặn vào tháng 6 và các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại trong tháng 7, mức tăng trưởng GDP được Dragon Capital dự báo ở ngưỡng 4,9% trong năm nay.

Với chiều hướng tốt hơn là dịch được ngăn chặn trong tháng 5 và doanh nghiệp hoạt động bình thường vào cuối tháng 6, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được dự báo ở mức 5,4%.

Tuy nhiên, với kịch bản xấu là dịch được ngăn chặn vào tháng 7 và doanh nghiệp hoạt động bình thường trong tháng 8, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt mức 2,8%. Nhóm ngành dịch vụ dự báo tăng trưởng âm trong kịch bản xấu nhất.

TTCK Việt Nam vắng bóng quĩ đầu tư có NAV tỉ USD sau bán tháo, Dragon Capital dự báo thận trọng hơn về vĩ mô và thị trường - Ảnh 5.

Nguồn: Dragon Capital

Theo số liệu được Tổng cục thống kê ban hàng cuối tháng 3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kì năm trước. Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kì năm 2019 (6,79% trong quí I/2019) và thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Tựu chung lại, trong mắt giới đầu tư, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay phụ thuộc rất lớn vào biến số bao giờ dịch COVID-19 được kiểm soát và doanh nghiệp bình thường trở lại. Cùng với đó, tại thời điểm này, vẫn có quá sớm để đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam được định giá có rẻ hay chưa, câu trả lời sẽ rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quí I.

Lợi Hoàng