|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TTC AgriS lãi sau thuế 77 tỷ đồng

12:58 | 01/08/2023
Chia sẻ
Mặc dù doanh thu tăng cao nhưng chi phí tài chính lớn khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ăn mòn.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2022-2023 (từ 1/7/2022 - 30/6/2023) của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) cho thấy doanh thu thuần trong quý vừa qua tăng 24% so với cùng kỳ lên 6.800 tỷ đồng do quy mô hoạt động được mở rộng theo đúng lộ trình hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện. 

 Số liệu: BCTC của SBT (H.Mĩ tổng hợp)

 

Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ 10% của cùng kỳ lên 11,8%. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận doanh thu tài chính tăng 17% lên 285 tỷ đồng chủ yếu là lãi tiền gửi. 

Tuy nhiên, chi phí tài chính của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi vay (484 tỷ đồng) do mặt bằng lãi suất tăng cao. Đây cũng là chi phí ăn mòn nhiều nhất vào lợi nhuận của công ty. 

 Số liệu: BCTC của SBT (H.Mĩ tổng hợp)

Tính đến ngày 30/6, tổng nợ phải trả của công ty là 19.500 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu kỳ.  Trong đó, tổng vay nợ và thuê tài chính của công ty là 11.697 tỷ tăng 5%. Vay ngắn hạn chiếm phần lớn 94% (tương đương 11.037 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu kỳ). Ngược lại, vay nợ dài hạn giảm mạnh 73% xuống 659 tỷ đồng.

  Số liệu: BCTC của SBT (H.Mĩ tổng hợp)

Sau khi trừ chi phí tài chính và các khoản khác, công ty lãi sau thuế 77 tỷ đồng giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. 

  Số liệu: BCTC của SBT (H.Mĩ tổng hợp)

Tính chung trong cả niên vụ 2022 - 2023, doanh thu thuần của TTC AgriS đạt 24.747 tỷ đồng tăng 35% so với niên độ trước hoàn thành 145% kế hoạch năm.Sản lượng tiêu thụ đường năm thứ 3 liên tiếp đạt hơn 1 triệu tấn, trong đó, kênh Xuất khẩu tăng trưởng mạnh khi sản lượng bán hàng tăng 73%, kênh Công nghiệp B2B tăng 16,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 610 tỷ đồng, giảm 30%.

Tổng tài sản của SBT tại thời điểm cuối tháng 6/2023 đạt 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với cách đây 1 năm; trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 35%.

Sau khi đạt đỉnh 12 năm hồi tháng 4 ở mức 27,3 US Cent/pound, giá đường thô thế giới hạ nhiệt xuống 24,3 US Cent/pound vào giữa tháng 7. Thậm chí trước đó, hồi cuối tháng 6, giá đường giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng là 22 US Cent/pound.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc vụ Brazil bước vào vụ thu hoạch trong nhu cầu nhập khẩu toàn cầu, trong đó có Trung Quốc chậm lại. Sản lượng mía của Brazil năm nay được dự báo tăng 500.000 tấn lên 38,2 triệu tấn.

Trái với diễn biến thị trường thế giới, giá đường Việt Nam vẫn duy trì đà tăng. Theo đó, giá đường tinh luyện dao động trong khoảng 20.800 - 22.200 đồng/kg, tăng 400 - 1.000 đồng/kg so với hồi tháng 5, theo VSSA.

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 6, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,7 triệu tấn mía sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021-2022, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%. Đây đồng thời là niên vụ thứ hai tăng trưởng liên tiếp của ngành đường.

Nhu cầu đường năm nay tương đương hoặc tăng một chút so với cùng kỳ, ở mức 2,35 triệu tấn.  Đường xuất khẩu chính ngạch tăng 150% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng nguồn cung đường đạt gần 2,64 triệu tấn, giảm so với mức hơn 2,69 triệu tấn của năm ngoái. 

H.Mĩ