TSMC bất ngờ lọt nhóm 10 cổ phiếu lớn nhất thế giới, giá trị vốn hóa tăng 72 tỉ USD
Công ty sản xuất bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc TSMC, bứt phá 9,9% trên sàn giao dịch Đài Bắc vào ngày 28/7.
Tại Đài Loan, các biến động giá thị trường chứng khoán hằng ngày giới hạn ở mức 10%.
Sự kiện này đã "châm ngòi" cho đợt tăng giá ngoạn mục, biến nhà sản xuất Đài Loan trở thành công ty lớn thứ 10 toàn cầu, với giá trị vốn hóa hơn 410 tỉ USD.
Hiện nhà sản xuất chip nhớ trị giá cao hơn các "đại gia" lâu đời tại Mỹ như Johnson & Johnson (J&J) và Visa. Thậm chí mức vốn hóa tăng trong hai ngày qua của TSMC đủ để "nuốt chửng" tập đoàn Goldman Sachs của huyền thoại đầu tư Warren Buffett.
Mọi người đều thấy tầm ảnh hưởng của TSMC đã bành trướng trên thị trường tài chính Đài Loan như thế nào. Hãng sản xuất chip nhớ hiện chiếm gần 33% chỉ số điểm chuẩn Taiex.
Riêng TSMC đã góp phần đẩy Taiex vượt mức kỉ lục tồn tại trong ba thập kỉ của chỉ số này. Cơn sốt tăng giá của TSMC thu hút dòng chảy vốn nước ngoài vào các cổ phiếu Đài Loan, thúc đẩy nhu cầu đối với đồng nội tệ.
Ngày 27/7, đồng đô la Đài Loan tăng 1%, mạnh nhất kể từ tháng 4/2018.
Đợt tăng giá vượt bậc đối với cổ phiếu TSMC theo sau cảnh báo chậm tiến độ sản phẩm và xem xét khả năng thuê ngoài sản xuất từ tập đoàn Intel trong tuần trước.
Nhà sản xuất chip điện tử Mỹ dự kiến sẽ chuyển dịch các hoạt động kinh doanh mới cho TSMC, sau khi đánh giá năng lực dẫn đầu toàn cầu về chế tạo silicon cùng lich sử ấn tượng của công ty Đài Loan này.
TSMC từng được các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới tin tưởng giao trọng trách sản xuất chất bán dẫn, điển hình như Advanced Micro Devices (AMD), Apple, Nvidia và Qualcomm.
Ngày 27/7, Bloomberg đưa tin Intel đặt hàng 180.000 đơn vị chip 6nm cho năm 2021 với TSMC. Cùng ngày, hai tổ chức môi giới hàng đầu Nomura Holdings và Credit Suisse Group cũng đề xuất mua vào TSMC.