|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Vũ Thành Tự Anh: 'Ngành ô tô đã được bảo hộ quá dài'

18:02 | 10/03/2017
Chia sẻ
Đứng trước tranh cãi liệu ngành ô tô nội địa còn tồn tại được hay không trước áp lực giảm thuế từ 30% về 0% năm 2018, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng nhìn vào thực tế 20 năm bảo hộ, ưu đãi chưa chắc đã đạt được kỳ vọng về phát triển. Lộ trình giảm thuế cũng là một cơ hội đặt doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh bình đẳng và phát triển các ngành hỗ trợ. 
ts vu thanh tu anh nganh o to da duoc bao ho qua dai
TS Vũ Thành Tự Anh. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ưu đãi dài chưa chắc đã hiệu quả

Năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm từ 30% xuống 0%, nhiều ý kiến lo ngại ngành ô tô nội địa khó lòng cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài. Có nên hay không tiếp tục các ưu đãi?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, ngành ô tô đã được hược hưởng ưu đãi về đầu tư cũng như bảo hộ quá dài trong vòng 20 năm qua. Bất kì khi nào có nguy cơ giảm thuế, các đơn vị này đều đưa ra thông điệp: "Tôi không lắp ráp ở Việt Nam nữa, tôi sẽ nhập thẳng về bán". Vị tiến sĩ (TS) đặt ra câu hỏi: "Ưu đãi hay không ưu đãi không tạo ra sức cạnh tranh?"

Các doanh nghiệp đang gây áp lực lên chính sách khuyến khích phát triển ô tô nội địa của Chính phủ. Nhưng theo phân tích của TS Vũ Thành Tự Anh, từ giữa những năm 1990, các công ty hàng đầu như Toyota, Nissan đầu tư vào Việt Nam với lời hứa sau khoảng 10 năm tỷ lệ nội địa hoá lên tới 40%, nhưng đến thời điểm này tỷ lệ đó mới chỉ là hơn 10%.

"Điều đó có nghĩa là mặc dù được rất nhiều ưu đãi nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa đạt đến cái kỳ vọng của Chính phủ cũng như là chính sách công nghiệp Việt Nam", vị TS nhận định.

Khát vọng ô tô nội địa thôi chưa đủ

TS Vũ Thành Tự Anh lấy ví dụ, ngay cả công ty thành công trên thị trường ô tô nội địa hiện nay là Trường Hải, bộ phận quan trọng nhất là động cơ chiếm tới 40 - 50% giá trị ô tô vẫn phải nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là thiếu những ngành công nghiệp hỗ trợ như chế tạo thép, các ngành logistics tạo ra sự phân phối hiệu quả thì ngành ô tô Việt Nam rất khó để phát triển.

Như Vinaxuki mang khát vọng về thương hiệu ô tô Việt thôi thì chưa đủ, khát vọng phải đi đôi với nguồn lực, với điều kiện thể chế, đi đôi với hệ sinh thái trong đó có cả các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.­

Vị TS đưa ra ba thông điệp cần phải thực hiện trước nguy cơ dòng thuế về 0%. Theo ông, đầu tiên cần phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tránh tình trạng quen bảo hộ, không tạo ra sức cạnh tranh, khi có nguy cơ giảm thuế doanh nghiệp lại "kêu" sẽ nhập khẩu thay vì sản xuất.

Thứ hai, vị chuyên gia cho rằng, cần phải tạo ra một năng lực nội địa. Ông phân tích, lý do các doanh nghiệp ô tô không tăng đc tỷ lệ nội địa hoá là bởi không có nhà cung ứng nội địa. Không có nhà cung ứng nội địa là bởi không phát triển được các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt Việt Nam cần các doanh nghiệp vừa là các đơn vị sẽ kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành các nhà cung ứng quan trọng nhất cho công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp chế biến chế tạo khác. "Các doanh nghiệp này của Việt Nam trong giai đoạn qua không phát triển thoả đáng, do vậy không có các ngành công nghiệp hỗ trợ", TS Vũ Thành Tự Anh nhận xét.

Thứ ba, ngành ô tô Việt Nam cần một thể chế phát triển thuận lợi hơn. Ông đưa ra ví dụ, các doanh nghiệp kêu ca rất nhiều về tình trạng bôi trơn, chi ngoài, nghiên cứu mới đây của VCCI cho thấy tỷ lệ này từ 5 – 10% có nghĩa là nó có thể vắt kiệt tất cả những lợi nhuận, làm cho không tích luỹ dẫn đến không đổi mới, không nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh suy giảm.

"Đây là yếu tố quan trọng nhất để có thể ô tô nói riêng và các ngành công nghiệp chế tạo chế biến khác khi đứng trước nguy cơ giảm thuế có thể tồn tại và cạnh tranh được", TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Thái Hoàng (ghi)