|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Võ Trí Thành: 'Mỹ phải chịu đau để chống lạm phát còn Việt Nam vừa kiềm chế lạm phát vừa phải tăng trưởng'

15:28 | 10/05/2023
Chia sẻ
Theo TS. Võ Trí Thành, Mỹ là quốc gia phát triển nhưng còn phải chấp nhận chịu đau để chống lạm phát mặc dù có tính đến tăng trưởng còn Việt Nam hướng tới rất nhiều mục tiêu, tức là đa mục tiêu gồm vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy vĩ mô, an toàn hệ thống, phục hồi kinh tế như vậy thách thức hơn rất nhiều.

Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023: Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số toàn cầu diễn ra sáng 10/5, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam đứng trước rất nhiều thách thức.

Đa mục tiêu nên thách thức sẽ lớn hơn

"Mỹ là quốc gia phát triển nhưng còn phải chấp nhận chịu đau để chống lạm phát mặc dù có tính đến tăng trưởng còn Việt Nam hướng tới rất nhiều mục tiêu, tức là đa mục tiêu gồm vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy vĩ mô, an toàn hệ thống, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh - quốc phòng tức là thách thức hơn rất nhiều", ông Thành nói.

Bên cạnh đó, là thách thức từ tác động bên ngoài, Việt Nam là nền kinh tế mở, do đó vừa phải thích nghi với bối cảnh bên ngoài vừa phải đạt được mục tiêu. Ở trong nước, vừa phải xoay sở để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp vừa phải tái cấu trúc hệ thống để đảm bảo chất lượng lâu dài.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”, vì sai một li đi một dặm. Vậy nên, nhiều quốc gia có cách tiếp cận thận trọng, thậm chí bảo thủ với chính sách tiền tệ chứ liều một chút là có thể "vỡ trận".

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: NVCC).

Thận trọng trong quan sát lạm phát lõi và tỷ giá

Đánh giá về chính sách tiền tệ của Việt Nam, bà Hà Thị Kim Nga - Cán bộ Kinh tế cấp cao, Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam cho hay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chèo lái trong một bối cảnh khó khăn, nhiều mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát trong bối cảnh lạm phát cơ bản tăng mạnh, vừa đảm bảo nền kinh tế không giảm tăng trưởng mạnh khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, NHNN đã có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất điều hành. Điều này cho thấy mục tiêu giảm chi phí tín dụng khi nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP thấp nhất nhiều năm qua.

Đáng mừng là khi NHNN hạ lãi suất, không thấy có áp lực đáng kể lên tỷ giá, tuy nhiên tại thời điểm NHNN quyết định giảm lãi suất chính sách vào tháng 3, tháng 4 nhiều chuyên gia kỳ vọng Fed sẽ có chính sách tiền tệ ôn hoà hơn tuy nhiên sau đó cơ quan này vẫn tiếp tục tăng lãi suất do lạm phát của Mỹ ở mức cao.

Thời điểm thay đổi định hướng điều hành chính sách tiền tệ phụ thuộc rất nhiều vào áp lực lạm phát đã giảm hay chưa và nguy cơ áp lực tỷ giá quay trở lại. Vì vậy, chuyên gia từ IMF khuyến nghị NHNN cần phải có những nghiên cứu, quan sát các yếu tố bên ngoài để có chính sách phản ứng phù hợp nhất.

Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023: Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số toàn cầu. (Ảnh: Hạ An).

Tránh dồn khó khăn của nền kinh tế vào NHTM

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, NHNN "đang đi trên dây", vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ giảm lãi suất, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cảnh báo, nếu không cẩn thận khó khăn của doanh nghiệp dồn hết vào hệ thống ngân hàng thì thời gian tới ngân hàng sẽ là đối tượng khó khăn và ảnh hưởng ngược lại đến doanh nghiệp.

Ông Hùng đánh giá việc điều hành của NHNN trong thời gian qua rất thách thức, điều hành hoàn toàn  dựa trên thực tế nền kinh tế.

Một số ý kiến nói NHNN điều hành giật cục, nhưng nếu không giật cục thì làm gì có tăng trưởng tín dụng, hay sẽ thêm nợ xấu và có thêm một vài vụ đổ vỡ như SCB? Phải nói ngành ngân hàng đang rất khó khăn và để có được kết quả ngày hôm nay là nỗ lực lớn của NHNN và các ngân hàng thương mại, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận.

"Chúng tôi cũng kêu gọi giảm chi phí, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng sao có thể hỗ trợ mãi. Doanh nghiệp khó khăn không có đơn hàng thì làm sao tăng trưởng tín dụng được", ông Hùng cho hay.

TheoTổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, trong thời gian vừa qua, NHNN đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ và đã có những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô.

Đánh giá về các giải pháp đối với thị trường vốn trong giai đoạn này, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, bối cảnh này đòi hỏi phải phát triển lành mạnh, bền vững thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán.

Về chính sách tiền tệ, nếu NHNN không được tự chủ mà phải "theo đuôi" chính sách tài khoá thì hiệu quả khó đảm bảo và cũng không thực hiện được các mục tiêu điều hành của mình.

 

Hạ An

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.