TS. Võ Trí Thành: Lãi suất các đồng tiền chủ chốt vẫn cao ít nhất đến giữa năm 2024
Quá trình phục hồi kinh tế thế giới vẫn rất trắc trở, sức cầu yếu
Tại hội thảo “Tháo van tín dụng – Khơi thông tăng trưởng” do báo Dân trí tổ chức ngày 17/11 , TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khái quát tình hình kinh tế thế giới với ba đặc trưng lớn.
Đầu tiên là kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và khó khăn này có thể còn đeo đẳng tới năm 2024. Dự báo mới nhất của WB, IMF đều cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay ở mức thấp, năm 2024 dự báo tăng trưởng có thể suy giảm.
Các đối tác thương mại của Việt Nam cũng đều tăng trưởng không tốt. Theo dự báo của IMF, một số nền kinh tế lớn như Mỹ tránh được suy thoái nhưng năm 2024 tăng trưởng thấp hơn 2023. Nhật Bản, Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn. Duy nhất có khu vực tăng trưởng năm 2024 có thể sẽ cải thiện là nhóm ASEAN - 5. "Quá trình phục hồi kinh tế thế giới vẫn rất trắc trở, sức cầu yếu", ông nói.
Đặc trưng thứ hai là điều kiện tài chính tiền tệ. Lạm phát trên thế giới giảm nhanh hơn kỳ vọng. Tuy nhiên lạm phát đến năm 2024 ở các nước phát triển vẫn còn cách xa mục tiêu. TS Thành nhấn mạnh điều này có nghĩa là lãi suất điều hành của các đồng tiền chủ chốt vẫn neo ở mức cao ít nhất là đến giữa năm 2024.
Đặc trưng thứ ba là đối đầu địa chính trị, căng thẳng, xung đột lan rộng. Đằng sau đó sự mất niềm tin vào sự bất định trên thế giới (năng lượng, lương thực, thiên tai,...).
Ngoài ra, hiện nay đòi hỏi sự phát triển bền vững bằng các xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh (sản xuất, đầu tư, tài chính, tiêu dùng) và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng của các "đại gia". Các xu thế này có đặc trưng lớn là dịch vụ kết nối chuỗi cung ứng nhờ chuyển đổi số và sự phát triển của công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ, đặc trưng thứ hai là địa chính trị.
"Hầu bao" của người Việt giảm nhanh
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là nơi tốt nhất khi chính trị ổn định, môi trường đầu tư vẫn đang được cải thiện, lợi thế so sánh vẫn còn.
Về khó khăn, ông nhắc lại các điều kiện tài chính tiền tệ của Việt Nam từng đối mặt áp lực chưa từng có trong năm 2022, ngoài ra thị trường bất động sản gặp khó khăn và niềm tin giảm mạnh trên thị trường.
Hiện tại thanh khoản tốt, áp lực lãi suất, lạm phát không cao.
Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất. Lãi suất vay cũng đã bắt đầu giảm dù chưa bằng giảm lãi huy động. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá khó khăn vẫn còn đó, nợ xấu tăng nhanh nhất là với lĩnh vực bất động sản. Một số ngân hàng có nợ xấu nội bảng cũng đã vượt quá 3%, nợ xấu của VAMC cũng tăng nhanh.
"Nợ xấu của các ngân hàng cũng lành mạnh nhưng còn một số đơn vị còn khó khăn chưa được xử lý triệt để như ngân hàng “0 đồng" SCB", TS. Thành nói và cho rằng để đảm bảo thanh khoản ổn đinh, tỷ giá, lãi suất ở mức hợp lý cùng với cung tín dụng là bài toán không hề đơn giản. Tuy nhiên điểm tích cực là hiện áp lực tỷ giá đã giảm.
Tín hiệu tích cực nữa là thị trường bất động sản đang nỗ lực, các tín hiệu tích cực về thanh khoản, đã nhúc nhích đi lên.
Về xuất khẩu, chưa khi nào trong lịch sử xuất khẩu giảm mạnh như vậy. Tín hiệu phục hồi khu vực xuất khẩu bấp bênh, PMI từ đầu năm đều dưới ngưỡng 50 điểm ngoại trừ tháng 2 và tháng 8.
Ngoài ra, theo TS. Võ Trí Thành, một tin buồn là tiêu dùng đang chững lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đã trừ lạm phát tăng trên 8%, nhưng 9 tháng chỉ còn khoảng 7,5%, sau 10 tháng tốc độ tăng vẫn tốt nhưng chỉ còn khoảng 7%.
"Hầu bao” của người Việt đã giảm nhanh. Trong đó, “lỗi của người giàu” là gần 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Chúng ta đang đi ngược khi thay vì xuất khẩu du lịch ta lại nhập khẩu du lịch.
Tại hội thảo, chuyên gia cũng nêu ra các nhóm chính sách quan trọng nhất. Trong đó, nhóm thứ nhất tài chính tiền tệ, cố gắng giữ lạm phát, thanh khoản, hệ thống tài chính ngân hàng ổn định.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.
"Lãi suất trước mắt rất khó giảm, áp lực không phải lạm phát mà chủ yếu vấn đề tỷ giá. Hy vọng tỷ giá xuôi hơn, giữ được ổn định vĩ mô. Tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14% mà nguyên là không có đầu ra, tiêu chuẩn người đi vay chưa được đáp ứng", ông nói thêm.
Nhóm chính sách tiếp đó là hỗ trợ tổng cầu như hỗ trợ lao động, giảm thuế VAT, kích thích du lịch, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhóm nữa là sửa đổi luật lệ làm cho bộ máy “nhúc nhích”. Một số tỉnh thành đã được tạo cơ chế đặc thù như Khánh Hoà, Cần Thơ, TP HCM.
Bên cạnh đó, nhiều luật cũ được sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng.
Một nhóm giải pháp nữa là thúc đẩy cái mới liên quan tới chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển sang chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Gợi mở cơ hội mới cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành đề cập đến một số từ khóa.
Thứ nhất là “phòng thủ”. Theo ông, các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro về thông tin, kịch bản và làm cuốn chiếu.
Thứ hai là “tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội”. "Qua tình hình thế giới và Việt Nam nói trên với môi trường, sự tăng trưởng không đồng đều. Khi mà thị trường này giảm, thị trường kia tăng thì ta phải chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng", ông nói.
Thứ 3 là “bắt nhịp xu thế”. Trong đó, các ngành được quan tâm là công nghệ cao, giáo dục, y dược, bán dẫn, hàng không. Chuyên gia dự báo sẽ có rất nhiều đại gia lớn của thế giới đến TP HCM trong thời gian tới. Đây là những cơ hội chưa từng có mà địa phương phải nắm bắt.
Riêng về xu hướng xanh, các tập đoàn tài chính lớn cam kết chỉ cho vay nếu đảm bảo một số tiêu chí “xanh” nhất định. Chuyên gia lấy ví dụ chuyển sang xe điện xanh cũng là cách để huy động vốn. Việt Nam có kinh tế tuần hoàn, đây không chỉ là cam kết mà là xu hướng chung của các hoạt động trên thị trường.
Ông nhận định chúng ta đang đi cùng, ăn cùng chuỗi cung ứng nhưng 10-15 năm nữa phải làm chủ được công nghệ lõi gồm bán dẫn, chip, vi mạch…
Song, để chơi cùng với “người lớn”, với “nhà giàu", ông cho rằng điều quan trọng số 1 là nền tảng để “bắt tay" doanh nghiệp lớn. Đó là văn hoá ứng xử, văn hoá doanh nghiệp, sự chân thành, đoàng hoàng, nghĩ lớn. Điều này quan trọng trên cả nhân lực.