|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TS. Trần Du Lịch: Giải quyết sự cố TTCK nhưng vẫn phải phát triển trái phiếu doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho NHTM

14:25 | 18/09/2022
Chia sẻ
TS. Trần Du Lịch đề nghị giải quyết sự cố nhưng làm sao trái phiếu doanh nghiệp vẫn phải phát triển để giảm gánh nặng cho ngân hàng thương mại, nếu gánh nặng tăng lên cho ngân hàng thương mại sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn.

Tại phiên chuyên đề về thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 tổ chức ngày 18/9, TS.Trần Du Lịch cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19 có ba loại.

Thứ nhất là nhóm mở cửa trở lại là hoạt động liền; nhóm thứ hai gặp khó khăn về vốn, chỉ cần hỗ trợ tín dụng sẽ hoạt động lại được; thứ ba là các doanh nghiệp mất thị trường, thiếu lao động và nợ chồng chất.   

Ngoài ra, một thành phần bị ảnh hưởng rất nặng nề là 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại tại TP HCM, họ đóng góp rất lớn cho GDP nhưng không thể vay được tiền, tổn thương rất lớn và khả năng phục hồi rất chậm.

Một vấn đề khác, do tắc nghẽn thủ tục nên một số lĩnh vực như ngành xây dựng không phục hồi được. Vì vậy, theo ông, cần nhanh chóng rà lại hệ thống chính sách này triển khai thế nào.

Diễn đàn Kinh tế 2022 tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Hà).

TS. Trần Du Lịch đưa ra ba khuyến nghị. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng hấp thụ vốn rất khó khăn, không hấp thụ được. Hiện nay các dự án liên quan đến đất là đứng yên, ngành xây dựng vì thế không phát triển được, không có dự án triển khai, không phát triển được. Vì vậy phải tháo gỡ các điểm nghẽn trong hấp thụ vốn mới phục hồi phát triển được.

Thứ hai, phải ổn định được lạm phát, giá cả, dự trữ ngoại hối dòng tiền. Từ nay cuối năm, dư địa tín dụng còn 4% phải đưa vào được những nơi cần đưa như Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu, cụ thể vào những lĩnh vực lan tỏa nhanh và phục hồi được, trong đó có gói 2%. “Cần bơm đúng và tác dụng nhanh”, ông nhấn mạnh.

Thứ ba là phối hợp tài chính tiền tệ, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tránh phát hành trái phiếu trong kho bạc.

"Ở Việt Nam, thị trường tiền tệ chủ yếu hoạt động qua hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường vốn trung dài hạn qua chứng khoán. Trong thời gian dài thị trường tài chính Việt Nam chủ yếu dựa vào ngân hàng thương mại, vốn ngắn hạn, trung dài hạn ngân hàng gánh hết.

Trong thời gian qua chúng ta phát triển được thị trường chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, do đó thị trường vốn có nhiều đóng góp quan trọng hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên gần đây có một số sự cố. Ông đề nghị giải quyết sự cố nhưng làm sao trái phiếu doanh nghiệp vẫn phải phát triển để giảm gánh nặng cho ngân hàng thương mại, nếu gánh nặng tăng lên cho ngân hàng thương mại sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn", ông nói.

Về vấn đề an sinh xã hội, TS. Trần Du Lịch cho rằng, hiện chỉ có 8% lao động ở các khu công nghiệp có nhà ở, còn lại sống bấp bênh. Do đó, cần xây nhà công nhân, xây nhà xã hội cho người lao động. Đây là giải pháp căn cơ phát triển bền vững chứ không phải chỉ là hỗ trợ tiền thuê nhà tạm thời như giai đoạn vừa qua.    


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hồng Hà