TS. Sử Ngọc Khương: Xây dựng TP Thủ Đức cần nhìn lại bài học Thủ Thiêm
TP Thủ Đức nhìn từ bài học Thủ Thiêm
Từ ngày 1/1/2021, TP Thủ Đức sẽ chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với trên 211 km2, quy mô dân số hơn một triệu người.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, TP Thủ Đức sẽ là "cú huých" lớn vào TP HCM trong việc phát triển khu Đông.
Tuy nhiên, để đạt được điều này không phải chỉ đổi tên từ quận Thủ Đức thành TP Thủ Đức và sáp nhập các quận với nhau, mà cần có ý chí và quyết tâm về chính trị, bên cạnh đó là năng lực tài chính và năng lực triển khai.
Năng lực đầu tư vào TP Thủ Đức gồm cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội. Kinh tế đô thị cũng là một bài toán lớn, phải làm sao để người dân tập trung về sống và làm việc, giải quyết bài toán công ăn việc làm, an cư xã hội cũng như đảm bảo tính liên kết vùng và các tỉnh lân cận.
Bản thân Bình Dương là một trong những tỉnh thành có nhiều "thành phố trong thành phố" nhất ở Việt Nam, chứng tỏ rằng khả năng thu hút vốn đầu tư, thu hút được người dân về sinh sống học tập và làm việc rất tốt.
Ở một chiều hướng khác, chuyên gia Savills cũng lưu ý, cách đây 20 năm, Thủ Thiêm từng được kỳ vọng là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của TP HCM, song đến nay vẫn chưa thành công. Đây là bài học lớn cần phải lưu ý.
TP Thủ Đức cần mang tính kế thừa
"Tôi cho rằng, câu chuyện xây dựng được một đô thị là câu chuyện của nhiều thế hệ, và nó phải cần mang tính kế thừa", ông Khương chia sẻ.
Chẳng hạn, một nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ 4 - 5 năm thì việc mang tính kế thừa để tiếp nối những định hướng của Chính phủ, của những người đi trước là điều cần thiết.
Do đó, việc xây dựng TP Thủ Đức cần phải nhìn xa ra những thành phố như Paris, Vancouver, Tokyo, Seoul,… đều là những đô thị được phát triển dựa trên tính kế thừa trong nhiều năm.
Ông Khương cho biết thêm, với tốc độ phát triển, đô thị hoá của Việt Nam nói chung và TP HCM, Hà Nội nói riêng như hiện nay, đây là thời điểm để có thể tạo ra những đối trọng trong những thành phố với nhau.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện của 20 năm, 30 năm,… Nếu không mang tính kế thừa thì chắc chắn sẽ xuất hiện những khó khăn ở mỗi thời điểm khác nhau.