|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS Nguyễn Trí Hiếu: Các ngân hàng hoạt động ở Việt Nam như những tiệm cầm đồ

06:30 | 17/05/2019
Chia sẻ
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét về ngân hàng hoạt động ở Việt Nam như những tiệm cầm đồ, khách hàng đến vay là đòi phải có tài sản, bất động sản thế chấp; trong khi các doanh nghiệp luôn luôn cần vốn.

Tại Hội thảo thường niên "Cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Doanh nghiêp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng", chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu đưa một số đề nghị đối với 4 đối tượng chính nhằm cải thiện mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, người dân.

4 đối tượng ông Hiếu nhắc đến gồm khách hàng (gồm doanh nghiệp và người dân), các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ.

Những năm qua, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, với tăng trưởng GDP 7,08%; lạm phát dưới 4%. Quý I/2019 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; tăng trưởng tín dụng đạt 3,32%, chậm lại so với năm ngoái nhưng là độ tăng trưởng tốt, ông Hiếu nhận xét.

Xét cả năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các ngân hàng thương mại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 14%. Tuy nhiên, có những ngân hàng chỉ được tăng 10 -11%, song có ngân hàng tăng cao hơn 14%, TS Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, xét về phía các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) luôn gặp khó khăn và khát vốn. Các doanh nghiệp SME thế chấp rất ít, không có lịch sử hoạt động để chứng minh có lãi, thị phần nhỏ, dễ bị tổn thương.

"Thật sự các ngân hàng hoạt động ở Việt Nam như những tiệm cầm đồ, khách hàng đến vay là đòi phải có tài sản, bất động sản thế chấp. Các doanh nghiệp khát vốn.", ông Hiếu nói.

Nếu Việt Nam không bị cơ chế trói buộc, hôm nay kinh tế có thể ngang bằng Thái Lan

Bên cạnh vấn đề thiếu vốn, doanh nghiệp vẫn còn bị vấn đề hành hính đè nặng. Giấy phép mẹ đẻ giấy phép con, ông Hiếu nêu đơn cử như một công ty nhập khẩu hóa chất bị yêu cầu nhiều giấy phép từ hải quan, đến khi bán hàng ra cũng cần phải có giấy phép.

TP HCM năng động nhưng có rất nhiều doanh nghiệp đang bị trói buộc bởi các cơ chế máy móc.

"Tại sao không mở trói cho họ để họ có cơ hội phát triển. Muốn kiểm soát họ để tạo sự ổn định, nhưng chúng ta trói chặt quá, với những thủ tục hành chính doanh nghiệp phải chạy lên tận Hà Nội mới làm được. Nếu đất nước này không bị trói buộc thế, tôi tin rằng ngày hôm nay, sau 40 năm thống nhất và 30 đi vào phát triển kinh tế, Việt Nam có thể ngang bằng Thái Lan, nhưng thực tế hiện nay chúng ta đi sau Thái Lan ít nhất 20 năm", ông Hiếu nhận định.

Về phía các ngân hàng, luôn luôn đòi thế chấp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ có phương án hoạt động, làm ăn nghiêm túc, có thị trường nhưng cần vốn, song ngân hàng vẫn cần thế chấp, ông Hiếu nhấn mạnh.

Dù khách hàng có hàng tồn kho, một vài bất động sản đã thế chấp, khoản phải thug. Thế nhưng, giám đốc ngân hàng chỉ sử dụng các khoản phải thu của những khách hàng lớn, khách hàng quen để làm tài sản đảm bảo, còn của các bên khác ngân hàng không dám sử dụng, ông Hiếu nêu đơn cử một số trường hợp trên thực tế.

Hiến kế về sản phẩm cho vay theo công thức bên Mỹ

Ông Hiếu nêu về một sản phẩm bên Mỹ là cho vay theo công thức, tài trợ dựa vào tài sản. Trong đó tài sản rất quý giá là khoản phải thu khách hàng, hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Với sự hỗ trợ của NHNN, sản phẩm cho vay theo công thức dựa trên khoản phải thu của doanh nghiệp, với tỷ lệ khoảng 80%, hoặc hàng tồn kho 50%, tạo nền tảng để ngân hàng cung cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng. Trên nền tảng này, hàng tháng, ngân hàng phải yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo tình hình hàng tồn kho và khoản phải thu.

Bên cạnh đó, ông Hiếu đề nghị Chính phủ cần tăng cường bảo lãnh tín dụng ở trung ương và các địa phương. "Chúng ta hiện có những quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng hoạt động èo uột, bảo lãnh cho số lượng ít doanh nghiệp nhỏ".

Ngoài ra, ông Hiếu đề nghị NHNN nên tiến hành xây dựng một hệ thống xếp hạng tín nhiệm và điểm tín dụng cho tất cả người ở Việt Nam. Ông Hiếu nêu ví dụ về hệ thống fical từ 400 - 800 điểm ở Mỹ người nào cũng có, dựa theo đó, các ngân hàng Mỹ có thể cho vay chỉ trong vòng 5 phút.

Ông Hiếu thông tin thêm, từ tháng 4 tại Việt Nam, Thanh tra NHNN thực hiện chấm điểm các tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn CAMELS với 5 tiêu chí ( Capital - vốn, Assets - tài sản, Management - quản lý, Earnings - lợi nhuận, Liquidity - thanh khoản và Sensitivity - độ nhạy cảm với các rủi ro thị trường). Việc này sẽ giúp ngân hàng cải cách mạnh mẽ hơn, bởi mỗi ngân hàng sau đó sẽ được NHNN xếp các loại gồm A, B, C, D, F.

Tựu lại, ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp nên chuẩn bị phương án, kế hoạch hoàn thiện để trình bày với ngân hàng khi đi vay. Các ngân hàng cần có các sản phẩm phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là công nghệ thông tin 4.0. Chính phủ nên tăng cường quỹ bảo lãnh Chính phủ. NHNN cần tiến hành thanh tra hệ thống ngân hàng theo tiêu chuẩn CAMELS và xây dựng hệ thống điểm tín nhiệm cho mọi người ở Việt Nam.

Trao đổi về quỹ bảo lãnh tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện Việt Nam đã có quỹ bảo lãnh hỗ trợ doanh nghiệp SME, tuy nhiên chưa sử dụng được.

Nguyên nhân là sau khi có Luật ban hành, các ngân hàng đã có Thông tư nhưng một số Bộ, ban ngành liên quan vẫn chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn, cho  nên quỹ này chưa đi vào cuộc sống mạnh mẽ.

Mặt khác, nguồn lực của các địa phương còn hạn chế, khó khăn chưa thể xây dựng quỹ bảo lãnh. Hiện nay việc dùng quỹ bảo lãnh cần phải thẩm định và thực hiện còn chặt chẽ hơn khi đi vay ngân hàng, điều này khiến các doanh nghiệp không mặn mà với quỹ bảo lãnh. Theo đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sắp tới, NHNN sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp SME về vấn đề này.

Ánh Dương