|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TS. Nguyễn Đức Hưởng: Ngân hàng năm 2021 cực kỳ khó khăn, ăn Tết xong nên bán hết cổ phiếu bank

19:06 | 05/01/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đức Hưởng, trong năm 2021 các ngân hàng sẽ "cực kỳ khó khăn" và do vậy giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ diễn biến tiêu cực. Ông cho rằng hiện nay lãi suất đang rất thấp nên đi vay tiền để đầu tư bất động sản là chiến lược đầu tư đúng đắn.

Phát biểu tại sự kiện "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" do Tập đoàn FLC tổ chức sáng 5/1, TS. Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) đánh giá cao thành tích của Việt Nam trong năm 2020 khi vừa chống dịch tốt lại vừa phát triển kinh tế tốt, vừa tăng trưởng GDP tốt lại vừa kiểm soát lạm phát tốt. 

"4 đầu việc rất khó với thế giới nhưng Việt Nam chúng ta lại làm được", ông Hưởng nhận định.

TS. Nguyễn Đức Hưởng khuyên bán cổ phiếu ngân hàng sau Tết, mua bất động sản - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Hưởng tại sự kiện ngày 5/1/2021. (Ảnh: FLC)

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố mới đây, GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, trong đó quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%. 

Các con số này khá thấp khi so với các năm trước nhưng lại là kỳ tích trong bối cảnh COVID-19 hoành hành trên toàn cầu. Năm vừa qua, Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP vào hàng cao nhất thế giới và là một trong số ít các quốc gia tăng trưởng dương.

Ngân hàng 2021 "cực kỳ khó khăn"

Nói về ngân hàng, ông Hưởng cho biết ngành ngân hàng đang bị bó buộc về cơ chế. "Ví dụ như giới hạn tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung – dài hạn năm 2018 là 60%, đến năm 2019 bị siết còn 40% và hiện nay còn 37%, thậm chí 34%. Tôi cho rằng đến năm 2021 giới hạn này nên được mở ra, chúng ta đang thu hút đầu tư nước ngoài, kinh tế phát triển, GDP tăng lên. Đã cởi trói cơ chế cho bất động sản rồi thì phải cởi trói cho doanh nghiệp, hay chính là ngân hàng".

TS. Nguyễn Đức Hưởng nhận định hiện nay giá cổ phiếu ngân hàng đang lên nhưng sang năm 2021, các ngân hàng sẽ "cực kỳ khó khăn" vì "điểm rơi của các đợt giãn nợ COVID sắp đến, room tín dụng bị bó buộc, huy động vào rồi không cho vay ra được".

"Sau Tết Nguyên đán, các anh chị nên bán cổ phiếu ngân hàng đi. Ngân hàng cực kỳ khó khăn", ông Hưởng khuyên, đồng thời cho biết thêm ông đã có kinh nghiệm phân tích chứng khoán từ 20 năm trước. 

"Bản thân tôi có giải pháp chơi chứng khoán riêng của tôi nên gần như không bị mất trên sàn chứng khoán. Tôi đã đúc kết ra những quy luật xuất hiện nhiều năm. Chứng khoán tạm thời đang thắng bất động sản cuối năm nhưng sau quý I, chứng khoán sập, bất động sản lên".

"Ngân hàng muốn khá lên thì phải gỡ cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay ngân hàng có hai giới hạn, một là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn, hai là hệ số rủi ro 150 – 200% giá trị khoản cho vay bất động sản [khi tính tỷ lệ an toàn vốn CAR] nên lãi suất cho vay bất động sản sẽ lên rất nhanh".

Nên mua bất động sản

"Các anh các chị có tiền mua đất, giá có hạ đến mấy thì đất vẫn là đất. Đất không đẻ ra được nhưng người đẻ liên tục, giá đất sẽ lại lên. Nhưng bong bóng chứng khoán mà vỡ thì chỉ còn là giấy thôi. Thế nên cái gì chúng ta không nắm được trong tay thì chỉ như đang đuổi gà cho chạy thôi, khổ lắm", nguyên Chủ tịch LienVietPostBank chia sẻ thêm. 

"Hiện nay anh chị nào vay được ngân hàng thì vay luôn đi, rồi mua nhà, mua đất. Lãi suất cho vay sẽ không bao giờ thấp hơn nữa". Ông Hưởng cũng chỉ ra 5 phân khúc bất động sản mà ông cho là hấp dẫn trong năm 2021 và các năm tiếp theo, bao gồm:

1. Bất động sản vùng ven Hà Nội, TP HCM và các tỉnh sẽ lên ngôi. Đây là khu vực "Ngủ lâu và sẽ bật dậy nhanh".

2. Trong 5 năm tới, đất Long Thành, Đồng Nai và Quận 9, Thủ Đức - TP HCM là "vua", tiếp đó là những nơi được định danh "đặc khu".

3. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bao gồm cả trên núi và gần biển, sẽ bùng nổ hậu COVID vì cả thế giới đã bị "trói chân" quá lâu trong đại dịch.

4. Bất động sản khu công nghiệp sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc điều tra "thao túng tiền tệ" và hành động của chính quyền Mỹ. Liệu Washington sẽ áp thuế 7%, 10%, 20%, 25% với hàng hóa Việt Nam hay không áp thuế?

5. Nhà ở giá rẻ, cụ thể là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, đất chia lô.

TS. Nguyễn Đức Hưởng khuyên bán cổ phiếu ngân hàng sau Tết, mua bất động sản - Ảnh 2.

Các phân khúc bất động sản mà ông Nguyễn Đức Hưởng cho là hấp dẫn. (Ảnh: Song Ngọc).

Cũng phát biểu tại hội thảo sáng 5/1, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng phân khúc nhà ở giá rẻ có nhu cầu thực rất lớn nhưng thời gian qua các chủ đầu tư không chú ý, mải mê phát triển phân khúc cao cấp.

Ông Châu lấy ví dụ tại TP Hồ Chí Minh đang có sự lệch pha về nguồn cung khi các sản phẩm bất động sản cao cấp chiếm tới 70% trong khi nhà ở bình dân, vừa túi tiền chỉ khoảng 2%. "Đây là cơ cấu thiếu bền vững vì không theo hình tháp, đáng ra phân khúc bình dân, giá rẻ phải chiếm tỷ trọng lớn hơn vì nhu cầu thực lớn hơn", Chủ tịch HoREA nói.

"Chúng tôi vẫn khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào nhà ở vừa túi tiền, bình dân để đáp ứng nhu cầu thực, tỷ suất lợi nhuận cũng rất cao". Ông Lê Hoàng Châu cho biết một phần lý do mà các doanh nghiệp muốn làm dự án cao cấp là để dễ quảng cáo tên tuổi và gây dựng uy tín.

"Nếu anh Quyết [ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC] làm nhiều khu nghỉ dưỡng cò con thì chắc không ai biết đến FLC. Nhưng anh Quyết làm FLC Sầm Sơn đã tạo được ấn tượng đầu tiên, làm thương hiệu rất nhanh. Sau đó anh làm FLC Quy Nhơn, các địa phương cũng được hưởng lợi", ông Châu nói.

Đức Quyền

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.