Ông Trịnh Văn Quyết: Bất động sản đã qua thời xấu nhất, năm 2021 sẽ tăng rực rỡ
Tại hội thảo "Toàn cảnh bất động sản Việt Nam 2021: Nhận diện những xung lực mới" tổ chức sáng 5/1, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng giai đoạn xấu nhất của thị trường bất động sản đã qua đi và tình hình trong năm 2021 chắc chắn sẽ rực rỡ hơn so với năm 2020.
Theo ông Quyết, thị trường có dấu hiệu khởi sắc từ khoảng giữa năm 2020, sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam. "Từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng 12, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển rực rỡ không tưởng", Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định.
"Tôi lấy ví dụ dự án Hà Khánh Tropical shophouse liền kề ở Hạ Long của FLC. Hồi tháng 5, có nhà đầu tư đòi trả lại tiền vì thi công không kịp tiến độ. Đến tháng 7 âm lịch, vốn là tháng cô hồn mọi người tránh mua bán bất động sản, ngay cả những căn shophouse xấu nhất cũng không còn mà mua. Chúng tôi là chủ đầu tư cũng không tưởng tượng được kịch bản đó. Thậm chí giá còn tăng gấp rưỡi, gấp đôi".
Vì vậy, ông Quyết khuyên tất cả khán giả có mặt tại hội thảo nếu có điều kiện thì nên đổ tiền vào bất động sản trong năm 2021.
Cùng chung nhận định với ông Quyết, TS. Nguyễn Đức Hưởng – Chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho rằng năm 2021 sẽ là cơ hội cho thị trường bất động sản. Ông Hưởng còn khuyên nhà đầu tư nên bán cổ phiếu và tìm mua đất.
"Trong cuộc đua giữa bất động sản và chứng khoán, chứng khoán đã thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán sẽ giảm và bất động sản sẽ tăng nhanh", ông Hưởng nhận định. "Sau Tết Nguyên đán, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ sập".
Vị chuyên gia kinh tế này chia sẻ thêm rằng cá nhân ông mua bất động sản ở nhiều nước khác nhau nên có hiểu biết nhất định về thị trường quốc tế. Ở Singapore, giá một căn hộ khoảng 3-5 triệu USD, ở Hong Kong giá còn đắt hơn. Trong khi đó, số tiền này đủ mua vài căn ở Việt Nam. Vì vậy, ông Hưởng tin rằng tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn lớn và hiện đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào.
Tuy vậy, ông Hưởng cũng chỉ ra một điểm nghẽn của nước ta là vấn đề "bia kèm lạc" trong quy định, thể chế. Tức là, nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam phải nhận kèm theo nhiều thứ quá. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi quy định liên quan đến việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng nhận định điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một vướng mắc cần phải giải quyết cho bất động sản Việt Nam để từ đó giúp các doanh nghiệp có một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thông thoáng và lành mạnh.
Ngày 18/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 148 để hướng dẫn Luật Đất đai 2013 và sửa đổi nhiều điều khoản trong các nghị định trước. Nghị định 148 đã giải quyết được một số vấn đề vướng mắc liên quan tới dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ tận nơi cho người có nhu cầu, ….
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cũng đặt câu hỏi: "Tại sao Nghị định 148 này không được ban hành từ năm 2014 khi Luật Đất đai mới ra đời?". Nếu các quy định đúng đắn, hợp lý được ban hành và áp dụng sớm, thị trường sẽ hoạt động tích cực hơn rất nhiều, ông Châu nói.
Nhận định về tiềm năng năm 2021, ông Lê Hoàng Châu cho rằng phân khúc bất động sản khu công nghiệp và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là những nhóm có cơ hội mang lại lợi nhuận lớn. Với thị trường nhà ở, vị chủ tịch HoREA nhận định thời gian vừa qua nước ta đang thừa quá nhiều cung ở phân khúc cao cấp mà quên mất mảng nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Tuy nhiên ông cho rằng nhà ở giá rẻ mới là mảng có nhu cầu bền vững, ổn định trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bày tỏ tin tưởng thị trường bất động sản năm 2021 khó có nguy cơ tăng ảo hay bong bóng, ngược lại sẽ bền vững hơn năm 2020, tập trung vào phát triển hạ tầng du lịch
2021 là năm đầu tiên chính quyền các địa phương nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới nên sẽ có nhiều "hiệu ứng tích cực đầu nhiệm kỳ" như chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản. Phân khúc bất động sản du lịch không còn chỉ tập trung ở khu vực hướng biển mà còn vào các khu vực rừng, núi giàu tiềm năng, ông Đính nhận xét.