|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Nguyễn Đình Cung dự báo tăng trưởng có thể đạt 7%

23:08 | 28/10/2016
Chia sẻ
CIEM đề xuất thắt chặt kỉ luật chi tiêu ngân sách với mức bội chi dưới 4% GDP và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một cách thực chất và quy mô. 
ts nguyen dinh cung du bao tang truong co the dat 7
Tái cơ cấu kinh tế. Ảnh: Xã luận.

Phân bổ lại nguồn lực tái cơ cấu

Tại hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III được tổ chức ngày 28/10, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), Nguyễn Đình Cung dự báo 3 kịch bản tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, CIEM đề xuất thắt chặt kỉ luật chi tiêu ngân sách với mức bội chi dưới 4% GDP và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một cách thực chất và quy mô.

Theo tính toán của CIEM, chỉ cần điều chỉnh cả 2 yếu tố này đã có thể góp phần tăng 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng từ 6,5% theo kì vọng có thể đạt tới mức 7%.

Ông Cung cho rằng, trọng tâm cần bàn luận về tái cơ cấu kinh tế là nguồn lực này được phân bố như thế nào. Trọng tâm của đề án tái cơ cấu này là nhấn mạnh việc phân bố cơ cấu tài sản.

Hiện nay, Nhà nước đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp như Vinamilk, theo ông Cung nên bán vốn để lấy tiền đầu tư xây dựng, như xây sân bay Long Thành. Như vậy, vừa có thêm nguồn lực để đầu tư, vừa khơi thông doành chảy vốn trong nền kinh tế.

Bản chất của tái cơ cấu kinh tế là làm cho nguồn lực sử dụng hiệu quả hơn, chứ không phải là tăng quy mô vốn để thúc đẩy tăng trưởng. Đó mới là cách tiếp cận chính của đề án tái cơ cấu kinh tế.

Theo chuyên gia Lê Đình Ân, thực tế đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có mô hình tăng trưởng rõ ràng, nhưng không có tổ chức tốt để tái cấu trúc.

Nhấn mạnh tăng đổi mô hình tăng trưởng từ số sang chất, TS Cung cho biết cần thay đổi tư duy tăng trưởng. Ông dẫn lời chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh nhận xét, "Hệ điều hành này lạc hậu lắm rồi, cần thay đổi hệ điều hành khác".

Bên cạnh đó, muốn đạt được hiệu quả tái cơ cấu phải phân bố lại nguồn lực bằng cơ chế thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh Nhà nước đang phải đối diện với nguy cơ khan hiếm nguồn lực trong giai đoạn tới, việc cân nhắc lĩnh vực tốt nhất để đầu tư là cần thiết thay vì đầu tư vốn bừa bãi bằng cơ chế xin cho như hiện nay. Tái cơ cấu kinh tế, phân bổ lại nguồn lực bằng cơ chế thị trường là yêu cầu cấp thiết, Viện trưởng CIEM nhận định.

Để đạt được như vậy, theo ông Cung Chính phủ phải cải cách thể chế và cải cách thị trường. Quản lý Nhà nước thu hẹp lại, thông minh, hiệu quả hơn cùng với đó thị trường phải không ngừng lớn lên.

TS Cung nhấn mạnh, vốn, lao động, đất đai phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, đất đai phải chuyển đổi được thành vốn mới đúng cơ chế thị trường. Sản phẩm dịch vụ phải cạnh tranh chứ không phải là những thị trường méo mó sai lệch như hiện nay, khi những người kinh doanh hiệu quả thì không thể tiếp cận nguồn lực, còn những người biết chạy chọt thì ăn đủ. Để thị trường phân bổ lại nguồn lực là tốt nhất.

Hiểu về con số 480 tỷ USD

Tại hội thảo, con số 480 tỷ USD cũng được ông Cung nêu quan điểm. Trước đó, trình bày trước Quốc hội khóa XIV mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng theo giá thực tế, tương đương khoảng 480 tỷ USD.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung khẳng định, 480 tỷ USD không phải là nguồn lực để tài cơ cấu mà là nguồn huy động đầu tư vào nền kinh tế.

Ông Cung giải thích, trong kế hoạch kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%, như vậy quy mô của nền kinh tế ước tính khoảng 30 triệu tỷ đồng. Cũng trong kế hoạch ấy, dự kiến tổng vốn đầu tư xã hội của toàn nền kinh chiếm khoảng 32 - 34% GDP. Với tỉ lệ đầu tư như vậy, con số 10 triệu tỷ (tương ứng với 480 tỷ USD) chính là tổng đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế. "Đây là một nguồn lực bình thường", ông Cung nói.

Thái Hoàng