|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất quá cao doanh nghiệp không chịu nổi, năm 2023 chính sách tiền tệ cần ưu tiên hạ lãi suất

16:33 | 10/01/2023
Chia sẻ
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tỷ giá năm 2022 rất đáng vui mừng nhưng không thể bằng lòng mới mức lãi suất thực hiện đang cao gần nhất thế giới của Việt Nam.

Trong năm 2022, Chính phủ đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP trên 8%, kiểm soát lạm phát 3,15%, đặc biệt là tỷ giá từng có lúc biến động 8-9% nhưng đến cuối năm VND chỉ còn mất giá 3,53%, bằng một nửa so với thời điểm tháng 10.

Theo các chuyên gia, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều khả quan nhưng lãi suất như hiện nay vẫn ở mức khá cao, đặc biệt là lãi suất thực, tức là lãi suất trừ đi lạm phát thì đang ở trong nhóm cao nhất thế giới.

Phân tích về yếu tố lãi suất năm 2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, khi nói đến lãi suất, người ta quan tâm nhiều đến lãi suất thực, tức là lãi suất đó trừ đi lạm phát.

Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đang khoảng 9,4% mà lạm phát 6,2% thì lãi suất thực khoảng 6,2%. Lãi suất cho vay hiện đang khoảng 12,6% mà lạm phát có 3,2% thì lãi suất thực cho vay hiện trên 9%.

 Lãi suất huy động của các ngân hàng tư nhân tăng mạnh trong quý IV/2022 (Nguồn: VNDirect).

Tại Mỹ, lạm phát đang ở 8%, lãi suất 3,5% - 4% thì lãi suất thực là -4% còn Việt Nam đang là 9%, tức cao hơn lãi suất thực của Mỹ hơn 13%. Nếu so sánh với châu Âu, lạm phát 10% mà lãi suất cho vay còn thấp hơn của Mỹ thì lãi suất thực của Việt Nam còn cao hơn nữa.

"Đây là một trong những lãi suất thực cao nhất thế giới hiện nay. Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính cao như vậy thì họ có chịu được không?", TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.

Theo chuyên gia, điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt đang bị đẩy lùi, nhường chỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên chính thị trường nội địa, bởi các doanh nghiệp FDI họ không phải chịu lãi suất từ hệ thống ngân hàng Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia (Ảnh: DNVN). 

Theo một nghiên cứu, chỉ khoảng 27%-30% doanh nghiệp Việt tận dụng được lợi thế từ các FTA còn lại là doanh nghiệp FDI hưởng lợi, nhưng trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay còn số này chắc chắn sẽ càng thấp đi.

"Chúng ta có thể bằng lòng với tỷ lệ tăng trưởng, lạm phát cũng như tỷ giá của năm 2022 nhưng không thể bằng lòng với lãi suất", ông Nghĩa nói.

Chính sách tiền tệ 2023 cần ưu tiên hạ lãi suất

Tỷ giá biến động mạnh vào tháng 10/2022 nhưng đã ổn định vào cuối năm. (Nguồn: VNDirect).

Với chính sách tiền tệ năm 2023, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thế giới không có khủng hoảng kinh tế nên thách thức từ bên ngoài sẽ sớm giảm áp lực. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2023. 

Lạm phát từ bên ngoài đang giảm, tỷ giá cũng đang giảm xuống. Nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là Trung Quốc đã gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Chỉ còn một yếu tố chúng ta chưa thể dự đoán được, đó là xung đột Ukraine – Nga. Cuộc chiến này có thể kéo dài nhưng quy mô của nó sẽ giảm dần, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo ông Nghĩa, mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm tới nên theo hướng giảm lãi suất. Muốn giảm lãi suất thì phải giải quyết từ các nguyên nhân của nó,.

Lãi suất tăng không phải do room tín dụng mà do cung tiền. Năm 2022, cung tiền của Việt Nam khoảng 7-8% nhưng hiệu quả chưa cao, ngoài ra còn gặp một số trục trặc về chính sách tiền tệ.

Hơn nữa, vòng quay tiền tệ của Việt Nam rất thấp, theo tính toán, vòng quay tiền tệ năm 2022 chỉ được 0,66 vòng/năm, năm 2021 được 0,6 vòng/năm, năm 2020 được 0,51 vòng/năm trong khi ở Mỹ vòng quay tiền M2 là từ 1,6-2 vòng/năm. Đây là điều mà NHNN cũng phải đưa vào trong việc tính toán của mình, để xem là khối lượng cung tiền để đảm bảo cho tăng trưởng là bao nhiêu.

"Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ 2023 là phải nghiên cứu làm sao để giảm lãi suất ở mức hợp lý, tăng trưởng room tín dụng và ổn định tỷ giá hối đoái", TS. Nghĩa phân tích.

 TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính. (Ảnh: NVCC).

TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính thì cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 chắc chắn sẽ thuận lợi hơn 2022 bởi chúng ta đã có kinh nghiệm trong điều hành tỷ giá, có các bài học về khi nào thì cần thiết can thiệp vào các thị trường.

Đặc biệt, tỷ giá tăng mạnh vào quý III/2022 nhưng nhanh chóng được ổn định trở lại. Tính đến nay, VND chỉ mất giá khoảng 2 % so với USD, là một mức lý tưởng so với nhiều đồng tiền trên thế giới.

Về vấn đề thanh khoản, ngay từ đầu năm Bộ Giao thông vận tải đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam cho thấy quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Khi nguồn vốn này được bơm ra thanh khoản của thị trường cũng tốt hơn. Chưa kể, chỉ tiêu room tín dụng mới cũng khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang dần phục hồi. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa nhanh Nghị định 65, kỳ vọng trong quý I/2023 sẽ hoàn thành làm cơ sở cho doanh nghiệp phát hành mới, vị chuyên gia này cho hay.

Hạ An

Nóng chuyện kiểm toán
Thị trường gần đây lại nóng lên câu chuyện chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên sàn khi loạt kiểm toán viên bị đình chỉ giao dịch, có doanh nghiệp không thể tìm được đơn vị kiểm toán. Cùng với đó là tính minh bạch, trung thực của chính doanh nghiệp trong các con số.