Truyền thông Indonesia nói gì về việc 'đội quân' taxi Xanh SM đổ bộ nước này?
“Đối với Jakarta, Xanh SM là hình mẫu đáng học hỏi. Thành công của họ chứng minh rằng việc điện khí hóa đội taxi quy mô lớn không còn là giấc mơ xa vời mà hoàn toàn khả thi. Với sự đầu tư đúng đắn, cơ sở hạ tầng phù hợp và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, Jakarta hoàn toàn có thể tái hiện và thậm chí vượt qua thành công của Việt Nam”, CNBC phiên bản Indonesia viết.
Theo tờ báo, chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi điện có thể giúp giảm khí thải và cải thiện chất lượng không khí tại Jakarta. Những lợi ích của taxi điện đã được chứng minh tại nhiều thành phố trên thế giới và Xanh SM ở Việt Nam là một minh chứng.
Jakarta là một thủ đô đông đúc và không còn xa lạ với tình trạng ô nhiễm không khí. Mỗi năm, khi mùa khô đến, một lớp sương mù xám lại bao phủ thành phố này cản trở cuộc sống hàng ngày và giao thông.
Thành phố này thường xuyên đứng trong danh sách những nơi ô nhiễm nhất thế giới. Vào tháng 6/2024, Jakarta một lần nữa dẫn đầu bảng xếp hạng của IQAir, tổ chức giám sát chất lượng không khí có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Ông Agus Dwi Susanto, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Phổi Indonesia, cho rằng ô nhiễm không khí không chỉ là một sự phiền toái mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Ông gọi ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng” đối với người dân.
Nghiên cứu từ tổ chức này cho thấy, những người làm việc ngoài trời tại Jakarta phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp cấp tính, bệnh tim mạch và phổi mãn tính do không khí ô nhiễm. Phương tiện giao thông là nguyên nhân chính, chiếm 44% tổng lượng ô nhiễm không khí của thành phố.
Với khí thải từ phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ lớn, việc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông sạch hơn là nhu cầu cấp bách. Theo chuyên gia, trong bối cảnh này, taxi điện mang đến một giải pháp kép: vừa giảm khí thải, vừa thúc đẩy nhận thức của công chúng về giao thông bền vững.
Jakarta hiện có khoảng 24 triệu phương tiện di chuyển trên đường phố mỗi ngày. Sự gia tăng không ngừng của các phương tiện như ô tô, xe máy và xe buýt chạy bằng dầu diesel đã khiến thành phố tràn ngập bụi mịn và khí nitơ oxit. Những chất độc hại này làm gia tăng các bệnh về hô hấp và gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
Nhận thấy sự cần thiết phải hành động nhanh chóng, Jakarta đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để giảm khí thải từ phương tiện giao thông. Hiện tại, thành phố đã thiết lập hai khu vực phát thải thấp (LEZ), dựa trên mô hình từ các thành phố lớn trên thế giới. Những khu vực này hạn chế phương tiện phát thải cao, khuyến khích sử dụng xe điện và xe hybrid.
Jakarta cũng áp dụng chính sách giao thông theo biển số chẵn lẻ, yêu cầu phương tiện di chuyển theo ngày quy định. Tuy nhiên, xe điện được miễn áp dụng chính sách này để khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện thân thiện với môi trường.
Thành phố cũng bắt buộc kiểm tra khí thải đối với tất cả các phương tiện đã sử dụng trên ba năm. Những phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị phạt, nhằm đảm bảo kiểm soát ô nhiễm từ gốc. Các thành phố vệ tinh như Bogor và Depok cũng tham gia mở rộng kiểm tra khí thải, đảm bảo phương tiện vào Jakarta đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, theo truyền thông Indonesia, dù các khu vực phát thải thấp và quy định khí thải rất quan trọng, chúng vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm. Thành phố cần đi xa hơn, với điện khí hóa giao thông là bước tiến tham vọng nhất.
Jakarta, trung tâm của các nỗ lực này, đã tích hợp xe buýt điện vào hệ thống vận tải công cộng. Những chiếc xe buýt do PT Transportasi Jakarta vận hành là hình ảnh về một tương lai sạch hơn và yên tĩnh hơn cho thành phố.
Mạng lưới trạm sạc xe điện cũng đang được mở rộng, với các điểm sạc tại trung tâm thương mại, trạm xăng và các tòa nhà chính phủ. Đây là khoản đầu tư hạ tầng quan trọng nhằm xóa bỏ lo ngại về quãng đường của xe điện.
Tuy nhiên, mục tiêu điện khí hóa của Indonesia không chỉ dừng lại ở giao thông công cộng. Các chính sách ưu đãi của chính phủ cũng tạo cơ hội cho khu vực tư nhân đổi mới, với taxi điện nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn.
Trong đó, theo CNBC, các công ty taxi cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái xe điện. Với đội xe lớn, họ có thể cung cấp dữ liệu giá trị về hiệu suất pin, thói quen sạc và hành vi người dùng. Những thông tin này sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa vị trí trạm sạc và xây dựng chính sách xe điện trong tương lai.
Theo truyền thông địa phương, tại Đông Nam Á, Jakarta có thể học hỏi từ thành công của Việt Nam, nơi giao thông xanh đang phát triển mạnh mẽ. Một ví dụ tiêu biểu là Xanh SM, đơn vị vận hành taxi điện lớn nhất Việt Nam.
Từ khi ra mắt vào năm ngoái tại Hà Nội, Xanh SM đã mở rộng hoạt động tới 54 trên tổng số 63 tỉnh thành. Với gần 100.000 phương tiện, gồm ô tô điện, xe máy điện và phương tiện hợp tác, Xanh SM phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi ngày, giúp giảm 100.000 tấn khí CO2 mỗi năm.