Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam: Tăng trưởng GDP trên 6% là kết quả tích cực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam Jonathan Dunn. Nguồn: VOV |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự giúp đỡ hiệu quả, thiết thực của IMF đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực cải cách tài chính-ngân hàng, quản lý nợ công, cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)… đồng thời bày tỏ hy vọng, trong quá trình phát triển đất nước thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của IMF trong tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam Jonathan Dunn
Thủ tướng nêu rõ, từ đầu năm đến nay, Việt Nam phải hứng chịu thiên tai khắc nghiệt, lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp âm trong nhiều năm qua, cộng với kinh tế toàn cầu bất ổn dẫn đến kinh tế trong nước khó khăn, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Đồng tình và đánh giá cao những nhận định về kinh tế Việt Nam của IMF, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; bảo đảm sự minh bạch trong quá trình cải cách, cổ phần hóa DNNN; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường…
“Việt Nam cũng đang nỗ lực cải cách hành chính, quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, sẽ tiếp tục cổ phần hóa các DNNN lớn với tinh thần công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trưởng Đại diện IMF khẳng định cam kết mạnh mẽ của IMF trong việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Việt Nam đưa ra những khuyến nghị về chính sách vĩ mô giúp Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế đúng mục tiêu và định hướng.
“Chúng tôi đánh giá cao chương trình cải cách của Việt Nam như tái cơ cấu DNNN, cũng như sự quan tâm của Ngài đối với khu vực tư nhân. Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức thì Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 6% là kết quả tích cực”, ông Jonathan Dunn bày tỏ.
Trưởng Đại diện IMF khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục những nỗ lực cải cách trong giai đoạn mới, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt nợ công, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cải cách DNNN.
Theo Như Chính
Báo Đầu Tư