Trước nộp hồ sơ niêm yết HOSE, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên liên tục tăng vốn, đang kinh doanh ra sao?
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo nhận hồ sơ đăng kí niêm yết cổ phiếu của CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) vào ngày 5/8. Câu chuyện niêm yết trên HOSE từng được đưa ra tại ĐHĐCĐ năm nay.
Bệnh viện chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2014, hiện có 3 cơ sở trên toàn tỉnh với qui mô trên 2.000 giường bệnh. Ngoài thông tin trên, bệnh viên này còn có gì đặc biệt.
Tăng vốn 15 lần sau 8 năm hoạt động
Về quá trình tăng vốn, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2013 với số vốn điều lệ ban đầu 27,75 tỉ đồng. Từ đó, vốn điều lệ liên tục tăng qua các năm. Trong năm 2019 công ty tăng vốn điều lệ từ 350 tỉ đồng lên 415 tỉ đồng nhờ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy, vốn điều lệ của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tăng gần 15 lần kể từ khi đi vào hoạt động.
Chưa dừng lại, công ty dự kiến việc tăng vốn điều lệ thêm khoảng 200 tỉ đồng trong năm 2020 hoặc đầu năm 2021 để có thêm nguồn tài chính phục vụ cho việc đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.
Xáo trộn cơ cấu cổ đông lớn
Theo tìm hiểu, cơ cấu cổ đông của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chỉ bao gồm các nhà đầu tư cá nhân.
Tính đến 8/5, danh sách cổ đông lớn của Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên gồm 5 người trogn đó có 3 thành viên đến từ HQĐT bao gồm ông Hoàng Tuyên- Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Thành viên HĐQT và ông Nguyễn Văn Thuỷ - Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ.
Trong đó, ông Hoàng Tuyên là cổ đông lớn nhất của công ty, nắm giữ 7,9 triệu cổ phiếu, tương đương 19,21% vốn điều lệ của công ty.
Theo sau là bà Nguyễn Thị Ngọc Thu với 3,8 triệu cổ phiếu (tỉ lệ sở hữu 9,03%). 3 cổ đông lớn còn lại là ông Hoàng Thao, ông Nguyễn Văn Thuỷ và ông Vũ Văn Thành với số lượng cổ phiếu nắm giữ lần lượt là 3,8 triệu cp (5,68%), 2,4 triệu cp (5,65%) và 2,3 triệu cp (5,54%).
Tuy nhiên, bà Thu đã bán 2 triệu cổ phiếu trong ngày 24/7, giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 4,21% và không còn là cổ đông lớn của công ty.
Ngày 30/7, một cổ đông lớn khác là ông Vũ Văn Thành cũng có động thái thoái vốn khi giảm lượng cổ phiếu sở hữu xuống còn 399.244 cp (0,96%).
Sau thời gian hai cá nhân này thực hiện giao dịch, không có cá nhân hay tổ chức nào công bố thông tin trở thành cổ đông lớn của công ty. Việc không là cổ đông lớn cũng đồng nghĩa với việc không phải công bố thông tin sau khi cổ phiếu được niêm yết trên HOSE.
Công ty đang kinh doanh thế nào?
Về tình hình kinh doanh của công ty, doanh thu và lợi nhuận duy trì ổn định trong các năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 công ty ghi nhận 275,5 tỉ đồng doanh thu thuần và 89 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 2% và 9% so với năm 2018.
Như vậy doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2019 chỉ đạt 74,5% và 74% mục tiêu đề ra do Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên đi vào hoạt động chậm tiến độ so với dự kiến.
Trong năm 2019, chi phí hoạt động tài chính của công ty tăng mạnh từ 3,8 tỉ đồng lên gần 8,4 tỉ đồng do lãi vay từ các khoản vay ngắn và dài hạn.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, công ty ghi nhận 91 tỉ đồng doanh thu thuần và 32 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 47% và 69% so với cùng kì năm ngoái. Mặc dù vậy công ty mới chỉ thực hiện được 24% mục tiêu doanh thu thuần và 26% mục tiêu lợi nhuận sau thuế đề ra trong năm nay.
Về tổng tài sản của bệnh viện tính đến 30/6/2020 là 1.013 tỉ đồng, tăng 60 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu, tài sản ngắn hạn là 152 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 15%.
Cơ cấu nguồn vốn tính đến cuối quí II, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty là gần 43 tỉ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 324 tỉ đồng.