|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ Giao thông Vận tải giải trình về thua lỗ của Jetstar Pacific và việc bổ nhiệm nhân sự tại Vietnam Airlines

12:05 | 25/06/2019
Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, Bộ đã cử ông Dương Trí Thành làm Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, giới thiệu ông Dương Trí Thành ứng cử để bầu giữ chức Thành viên HĐQT và bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc đơn vị này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ ngày 31/5 vừa qua đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị xem xét, xử lý theo quy định trước đề nghị làm rõ thông tin phản ánh về Hãng hàng không Jetstar Pacific của Báo điện tử Tổ Quốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 17/6  vừa qua, Bộ GTVT đã có công văn trả lời báo Điện tử Tổ Quốc. Công văn do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký giải trình cụ thể.

Bộ GTVT nói gì về khoản lỗ hơn 4.000 tỷ của Jetstar Pacific?

 - Ảnh 1.

(Nguồn: Zing.vn)

Theo đó, giải đáp câu hỏi mà Báo Điện tử Tổ Quốc đặt ra về hoạt động của Jetstar Pacific (JPA là đơn vị của Tổng Công ty hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) chiếm gần 70% cổ phần) liên tục thua lỗ trong nhiều năm với số lỗ luỹ kết tính đến thời điểm năm 2018 hơn 4.000 tỷ đồng - Bộ GTVT cho biết, Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ, đa sở hữu, có vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập (1991) và tái cơ cấu trước khi chuyển từ Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về VNA vào tháng 2/2012. 

VNA đã tiếp nhận quyền sở hữu 69,93% vốn góp của Nhà nước trở thành cổ đông lớn nhất tại JPA. Theo đó JPA là công ty cổ phần có vốn góp của VNA và VNA là cơ quan đại diện phần vốn của VNA góp tại JPA, có trách nhiệm quản lý vốn góp tại JPA theo quy định. 

"Từ tháng 2/2012, thời điểm nhận bàn giao đội bay không đồng nhất về chủng loại và máy bay Boeing 727 quá cũ nên đã làm phát sinh nhiều chi phí kỹ thuật, chi phí khai thác cao và không thể có lãi; sản xuất kinh doanh lỗ và âm vốn chủ sở hữu có nhiều khoản nợ quá hạn, công ty có nguy cơ mất khả năng thanh toán; tình hình tài chính của Công ty thời điểm VNA nhận bàn giao là hết sức khó khăn", công văn của Bộ GTVT nêu tuy nhiên không nói rõ số nợ và âm vốn là bao nhiêu.

Cũng theo Bộ GTVT, sau khi tiếp nhận, VNA và JPA cùng các cổ đông đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu bao gồm: Tái cơ cấu đội bay, tái cơ cấu đường bay và tái cơ cấu tài chính; tổ chức lại bộ máy quản trị công ty; tổ chức lại hoạt động khai thác; tái cơ cấu lao động để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động; thực hiện tăng vốn điều lệ, xử lý các cộng nợ tồn đọng và đã giảm dần lỗ. Do đó, mặc dù giai đoạn 2012 - 2016 JPA gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung hoạt động SXKD của JPA đã có cải thiện; số lỗ giảm dần qua từng năm và đến năm 2014 lần đầu tiên sau nhiều năm hoạt động, JPA đã cân đối được thu chi và tiến tới có lãi vào năm 2015. 

Năm 2018, tiếp tục với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu và tỷ giá tăng cao, thị trường bay thuê chuyến cạnh tranh gay gắt, nhưng theo VNA thì JPA cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu phụ, cải thiện hiệu quả SXKD, đặc biệt là việc triển khai chiến lược Thương hiệu kép với VNA; hai hãng cũng đã phối hợp chặt chẽ về lịch bay, mang lại sản phẩm vượt trội trên các đường bay chủ lực. Kết quả SXKD năm 2018 lợi nhuận trước thuế của JPA tiếp tục có lãi và sẽ tiếp tục được duy trì vào năm 2019 và những năm tiếp theo.

Việc bổ nhiệm ông Dương Trí Thành giữ chức Tổng Giám đốc VNA là do HĐQT quyết định

Trả lời câu hỏi mà Báo Điện tử Tổ Quốc nêu trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc "thua lỗ kéo dài nhưng lãnh đạo JPA không bị kiểm tra, xem xét trách nhiệm mà trái lại còn được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, làm Tổng Giám đốc (Dương Trí Thành), Phó Giám đốc (Lê Hồng Hà) của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) - Bộ GTVT cho biết, theo Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của Chính phủ về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Bộ GTVT chỉ có thẩm quyền cử người đại diện phần vốn, giới thiệu ứng cử chức danh quản lý tại công ty có vốn góp của Nhà nước do Bộ GTVT làm đại diện chủ sở hữu. Việc nhân sự đó có trúng cử chức danh quản lý doanh nghiệp hay không sẽ do Đại hội đồng cổ đông bầu và Hội đồng quản trị quyết định.

Năm 2016, để kiện toàn Người đại diện phần vốn Nhà nước tại VNA để thay thế ông Phạm Viết Thanh (Chủ tịch) và ông Nguyễn Huy Tráng (Người đại diện phần vốn kiêm thành viên HĐQT), VNA đã xin chủ trương, thực hiện quy trình cử người đại diện phần vốn, giới thiệu ứng cử Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNA. Kết quả, VNA đã giới thiệu ông Dương Trí Thành, Phó Tổng Giám đốc VNA để thực hiện quy trình nhân sự.

"Sau khi xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, Bộ GTVT đã: cử ông Dương Trí Thành làm Người đại diện phần vốn Nhà nước tại VNA. Giới thiệu ông Dương Trí Thành ứng cử để bầu giữ chức thành viên HĐQT và bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc VNA.

Như vậy, việc ông Dương Trí Thành được bầu làm thành viên HĐQT là do Đại hội cổ đông quyết định, việc bổ nhiệm ông Dương Trí Thành giữ chức Tổng Giám đốc VNA là do HĐQT VNA quyết định", công văn của Bộ GTVT nêu.

Về việc bổ nhiệm ông Lê Hồng Hà, nội dung công văn cho hay, theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ GTVT, việc bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc VNA thuộc thẩm quyền của HĐQT VNA. Do đó, việc bổ nhiệm ông Lê Hồng Hà là thẩm quyền, trách nhiệm của VNA. Tuy nhiên, theo VNA, ông Lê Hồng Hà được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc VNA vào tháng 2/2012 (theo Quyết định số 260/QĐ-TCTHKVN-TCCB do ông Phạm Viết Thanh, chủ tịch HĐTV ký), trước thời điểm VNA nhận bàn giao JPA.

Cuối cùng, Bộ GTVT cho biết, VNA hiện đã được Bộ GTVT chuyên giao nguyên trạng (gồm cả việc quản lý  Người đại diện phần vốn và các chức danh lãnh đạo của VNA) sang Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. 

Hà Giang