|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trung tâm hành chính Đà Nẵng: 'Đội' vốn hơn 1.200 tỷ vẫn đầy rẫy bất cập

15:53 | 15/08/2016
Chia sẻ
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, lúc làm dự toán tòa nhà này có tổng đầu tư dự kiến là hơn 800 tỷ đồng thôi, sau vượt lên hơn 2.100 tỷ đồng. “Tôi không hình dung được vì sao lại vượt được nhiều như thế", ông Liêm nói.
trung tam hanh chinh da nang doi von hon 1200 ty van day ray bat cap

Tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng mới đây, nhiều người thấy bất ngờ trước thông tin thành phố có ý định dời bộ máy khỏi trung tâm hành chính tập trung vừa được sử dụng hơn 2 năm.
Thông tin này thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận. Ngay sau đó, Đà Nẵng đã phát đi thông cáo khẳng định, việc di dời khỏi tòa nhà trung tâm hành chính mới là ý tưởng ban đầu, tầm nhìn dài hạn, đang được giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất.

Lý do xuất phát ý tưởng này, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã xuất hiện một số hạn chế, chưa phù hợp so với các yêu cầu thực tế hoạt động công vụ và một số yêu cầu kỹ thuật.

Mặc dù Đà Nẵng khẳng định chưa có chỉ đạo di dời, song một tòa nhà trung tâm hành chính cấp thành phố có tổng mức đầu tư tới hơn 2.100 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã bộc lộ rất nhiều bật cập khiến chính những người đang sử dụng nó tính đến chuyện “bỏ đi” là một câu chuyện đáng bàn.
Trao đổi với BizLIVE, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Việc đầu tiên Đà Nẵng cần làm bây giờ là mời các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực có liên quan đến họp bàn, đánh giá tòa nhà một cách toàn diện, xem nó tồn tại cụthể những vấn đề gì, hướng giải quyết ra sao.

“Đối với tòa nhà này, bây giờ việc cải thiện thông gió tự nhiên là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, đừng làm chắp vá kiểu nay sửa cái này, mai sửa cái nọ rồi bất cập vẫn hoàn bất cập. Phải triển khai một cách đồng bộ, không chỉ là các chuyên gia kiến trúc mà các chuyên gia kỹ thuật về phòng chống cháy nổ, giao thông… cũng phải được mời đến tham bàn”, ông Liêm kiến nghị.

Sau đó, theo ông Liêm, khi đã có cái nhìn tổng thế về các vấn đề bất cập và hướng khắc phục tòa nhà, đã có những đánh giá chính xác, khoa học rồi thì cần công bố để cả nước học tập kinh nghiệm. “Chứ không rồi sẽ lại có một địa phương nào đó giẫm lên vết xe đổ thì lãng phí tiền của dân quá”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Liêm chia sẻ, người Việt mình hay có thói quen “tốt đẹp thì phô ra, xấu xa thì đậy lại”, điều này không nên chút nào.

“Như trường hợp của Đà Nẵng, tôi thử hỏi, nếu cái ông đại biểu kia không chất vấn thì bao giờ mới vỡ lẽ ra. Sở dĩ người ta giỏi lên là nhờ rút kinh nghiệm những thất bại của người đi trước. Do vậy, trong câu chuyện của Đà Nẵng, chia sẻ bài học kinh nghiệm là rất quan trọng”.

Dự toán chỉ hơn 800 tỷ đồng, sau vượt lên hơn 2.100 tỷ

Trước những ý kiến trái chiều về việc khắc phục, tiếp tục sử dụng tòa nhà hay xây tòa mới, TS. Phạm Sỹ Liêm nói ủng hộ quan điểm sửa chữa tòa nhà bằng những biện pháp phù hợp.

Ông Liêm chia sẻ, nghe nói có doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại tòa nhà hành chính Đà Nẵng. Muốn mua nhưng mua được mấy đồng? Bỏ ra hơn 2.100 tỷ ra xây, giờ phải bán thật rẻ người ta mới mua, chứ ai lại bỏ cả nghìn tỷ ra mua một tòa nhà nảy sinh vô số các vấn đề bất cập?

Ông Liêm kể: “Tôi đã từng đến tòa nhà đó. Ngay tại hội nghị kiến trúc sư về việc hợp khối các tòa nhà hành chính cấp tỉnh, tôi đã nêu hai vấn đề bật cập lớn của tòa nhà hành chính Đà Nẵng, đó là vấn đề giao thông bên trong, bên ngoài lẫn việc phòng chống cháy nổ”.

Cụ thể, về vấn đề giao thông của tòa nhà, ông Liêm cho biết: Tòa nhà với hơn 1.600 người phải đợi chờ chen chúc nhau ở 1 ô thang máy với 10 chiếc sẽ rất tốn thời gian.

Theo phản ánh, ban đầu người dân đến liên hệ công việc ở toà nhà phải dựng xe ngoài trời tại một sân chơi thể thao bên cạnh. Sau đó, thành phố cho xây dựng hai tầng hầm gửi xe phía trước cổng toà nhà, tuy nhiên người dân đến giao dịch vẫn phải đi bộ một quãng khá xa mới vào đến cửa trung tâm hành chính. Chưa kể việc tìm thang máy rất khó khăn, lộn xộn.

Về vấn đề phòng chống cháy nổ, tòa nhà cao 37 tầng, hiện nay xe thang cứu hộ, chữa cháy chỉ đến được khoảng tầng 15. Phương án chữa cháy hiện tại là phun nước dập lửa. Khi đó hệ thống điện sẽ bị cắt, thang máy không thể hoạt động. Nếu 1.600 công chức cùng di chuyển bằng cầu thang bộ sẽ nảy sinh nhiều bất cập.

TS. Phạm Sỹ Liêm chia sẻ hồi mới nhìn thiết kế tòa nhà, ông nghĩ sẽ rất tốn kém trong việc chi phí cho điều hòa nên đã hỏi một nhân viên ở đó và được biết, chi phí tiền điện điều hòa tòa nhà này khoảng 1 tỷ mỗi tháng.

Ông Liêm cho rằng, có thể tiền điện cao quá, nên họ không chịu nổi, phải giảm sử dụng điều hòa. Nếu đúng như vậy thì đó là một trong các nguyên nhân khiến người làm việc thấy khó thở.
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho biết, lúc làm dự toán tòa nhà này có tổng đầu tư dự kiến là hơn 800 tỷ đồng thôi, sau vượt lên hơn 2.100 tỷ đồng.

“Tôi không hình dung được vì sao lại vượt được nhiều như thế. Đà Nẵng nói bán đất, nhà các trụ sở các sở, ủy ban cũ đi để đổ tiền vào xây. Thực hư thế nào tôi, người dân không được biết. Vấn đề này nhân đây cũng cần được minh bạch làm rõ”, ông Liêm nói.

Đầu tháng 9 năm 2014, UBND TP. Đà Nẵng đã đưa vào vận hành Trung tâm hành chính tại địa chỉ số 24 đường Trần Phú, quận Hải Châu.

Nằm trên khu đất rộng hơn 23.000 m2, tòa nhà cao 37 tầng với diện tích sử dụng 65.234 m2 là nơi làm việc của 23 sở, ngành với 1.600 cán bộ, công chức thành phố và khoảng 600 lượt người dân đến giao dịch mỗi ngày.

Tòa nhà được thiết kế theo ý tưởng mô phỏng ngọn hải đăng dẫn đường, phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn khơi tạo điểm nhấn cho cả khu trung tâm thành phố, được xem như biểu tượng mới của Đà Nẵng và thể hiện khát vọng vươn khơi xa.

Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng được 2 năm, người ta lại tính chuyện chuyển đi với những lý do tòa nhà nằm ở vị trí không phù hợp, thiếu oxy, nóng bức, ảnh hưởng giao thông… Hiện vấn đề này vẫn đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.

Theo Bizlive

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.