Trung Quốc vực thị trường bất động sản để ngăn chặn khủng hoảng tài chính
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã triển khai những chính sách mới trong tuần này để vực các thị trường tài chính và phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các động thái nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay và chi tiêu với hàng tỷ USD tiền mặt đã được đẩy mạnh khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), hạ tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng và ban hành các quy định mới để khuyển khích những ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với các công ty bất động sản.
PBoC sẽ hạ tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng 0,5 điểm phần trăm từ ngày 5/2.
Theo Thống đốc PBoC, Phan Công Thắng, động thái này sẽ giải phóng thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) cho thị trường. PBoC cũng hạ lãi suất vay liên ngân hàng và ban hành các quy định mới để tăng khả năng tiếp cận của những công ty bất động sản đối với các khoản vay của những ngân hàng thương mại.
Hàng chục công ty bất động sản đã vỡ nợ sau khi chính phủ siết chặt hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này vài năm trước.
Công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, China Evergrande, vẫn đang nỗ lực giải quyết số nợ trên 300 tỷ USD.
Ngày 29/1, Tòa án tối cao Hong Kong (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý tài sản của tập đoàn này, động thái mở ra một giai đoạn mới và khó lường đối với số phận của nhà phát triển nặng nợ nhất thế giới.
Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản Trung Quốc là một trong những yếu tố chính cản trở sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau cú sốc đại dịch.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, vượt mục tiêu mà chính phủ đề ra và nhiều số liệu như sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ cho thấy các dấu hiệu cải thiện.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong năm nay và năm tới, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn cầu.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc kể từ cuối năm 2023, tiếp tục giảm thêm sau khi đã mất hàng nghìn tỷ USD trong vài năm qua.
Một cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản, tình trạng mất việc làm và những thách thức khác do đại dịch đã khiến người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu.
Điều này có thể gây ra vòng xoáy giảm phát như cảnh báo của một số nhà kinh tế, khi giá nhà và các hàng hóa khác giảm, điều sẽ cản trở đầu tư để tạo việc làm và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế.
Nền kinh tế phục hồi chậm và các biện pháp kiểm soát lĩnh vực công nghệ, cùng với những gián đoạn trong giai đoạn đại dịch và những căng thẳng thương mại với Mỹ, đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì một cuộc họp của Chính phủ Trung Quốc trong tuần này và nói rằng cần thêm các giải pháp để ổn định thị trường và thúc đẩy lòng tin.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Trung Quốc đã nói đầu tư tại nước này không phải một khoản đầu tư rủi ro mà là một cơ hội.