Trung Quốc thành lập quỹ bán dẫn lớn nhất từ trước tới nay trị giá gần 48 tỷ USD
Trung Quốc vừa thành lập quỹ đầu tư bán dẫn lớn nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip của nước này. Đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh để có thể tự sản xuất chip bán dẫn, đối phó với các hạn chế từ phương Tây.
Theo nền tảng trực tuyến Tianyancha, giai đoạn thứ ba của Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp Quốc gia - hay Big Fund III - đã huy động được 344 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 47,5 tỷ USD) từ chính phủ cũng như nhiều doanh nghiệp và ngân hàng do nhà nước sở hữu. Quỹ được thành lập vào ngày 24/5.
Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của quỹ. Các công ty đầu tư do chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh sở hữu cũng góp phần.
Trong vài năm qua, chính quyền Thâm Quyến còn tài trợ cho vài nhà máy sản xuất chip ở tỉnh Quảng Đông để giúp Huawei xoay xở với các lệnh trừng phạt của Mỹ, tờ Bloomberg cho hay. Những lệnh trừng phạt này khiến Huawei mất khả năng tiếp cận nhiều linh kiện bán dẫn nhập khẩu quan trọng.
Dưới sự dẫn dắt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), các cường quốc phương Tây đã rót gần 81 tỷ USD để chế tạo thế hệ chất bán dẫn tiếp theo, cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí thống trị về chip.
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc là nước chi tiêu hàng đầu thế giới cho nỗ lực phát triển và sản xuất chip. Chính phủ Trung Quốc mạnh tay tài trợ cho các nhà sản xuất chip nội địa như Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC).
Quỹ đầu tư mới nhất thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn của riêng mình trong bối cảnh Mỹ kêu gọi các đồng minh hạn chế khả năng tiếp cận chip của Trung Quốc.
Cổ phiếu các công ty chip lớn của Trung Quốc đồng loạt đi lên trong phiên 27/5. SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, có lúc tăng 5,4% trên thị trường Hong Kong. Hua Hong Semiconductor, đối thủ nhỏ hơn của SMIC, bật tăng hơn 6%.