|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thép phế liệu

13:46 | 12/10/2021
Chia sẻ
Nhập khẩu thép phế liệu của Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại sau khi nước này gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu từ đầu năm nay. Đồng thời, việc tăng sử dụng thép phế liệu cũng giúp Trung Quốc cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu thép phế liệu của nước này trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng mạnh 26 lần về lượng và gần 19 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 462.487 tấn, trị giá 258,2 triệu USD.

Nhập khẩu thép phế liệu của Trung Quốc đã tăng trở lại kể từ đầu năm nay sau khi nước này gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu được ban hành 2 năm trước đó. Đồng thời, Trung Quốc cũng giảm thuế nhập khẩu thép phế liệu phục vụ cho tái sản xuất thép xuống còn 0%.

Theo S&P Global Platts, các biện pháp hạn chế hoạt động sản xuất thép của Bắc Kinh và giá than cốc tăng cao hơn đã làm nhu cầu quặng sắt sụt giảm. Trái lại, các chính sách môi trường lại làm tăng sức hấp dẫn của nhóm thép phế liệu, gang thỏi và sắt xốp đóng bánh nóng (HBI).

Việc sử dụng các loại thép phế liệu với số lượng lớn có thể giúp các nhà sản xuất thép và người dùng cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính cũng như tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thép phế liệu trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu từ Hải quan Trung Quốc. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu thép phế liệu từ các thị trường lân cận tại châu Á và khối lượng nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 71,6% khối lượng được nhập khẩu từ Nhật Bản với 331.206 tấn, tăng 55 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, Nhật Bản cũng là nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc giai đoạn trước khi Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu thép phế liệu vào cuối năm 2018.

Đứng thứ hai là Hàn Quốc đạt 82.333 tấn, tăng 10 lần so với cùng kỳ và chiếm 17,8% tỷ trọng.

Như vậy, hai nguồn cung Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm tới 90% tỷ trọng thép phế liệu nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng năm nay.

Sở dĩ Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu thép phế liệu từ hai thị trường này là bởi đây là nguồn cung thép phế liệu chất lượng cao, quãng đường vận chuyển ngắn và có thể được vận chuyển bằng các tàu có khối lượng nhỏ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu thép phế liệu từ Malaysia, Hồng Kông và Đài Loan với khối lượng tương ứng là 15.384 tấn, 11.510 tấn và 7.059 tấn.

Tuy nhiên, nhập khẩu thép phế liệu của Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại khi nước này tăng cường hơn nữa các biện pháp cắt giảm sản lượng thép trong nước. Điều này khiến các nhà máy thép thận trọng hơn trong việc mua nguyên liệu.

Đồng thời, giá thép phế liệu tại thị trường nội địa Trung Quốc thấp hơn so với giá nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu và tăng thu mua nội địa.

Trong tháng 8, nhập khẩu thép phế liệu của Trung Quốc đạt thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay với 44.460 tấn, giảm 50,9% so với tháng 7.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 8 cũng đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp khi Bắc Kinh duy trì các biện pháp cắt giảm sản lượng để giảm ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Trung Quốc đã sản xuất 83,2 triệu tấn thép thô trong tháng 8, giảm 4,1% so với tháng 7 và thấp hơn nhiều so với mức 94,9 triệu tấn trong tháng 8/2020.

Sản lượng thép thô trung bình hàng ngày ở mức 2,7 triệu tấn trong tháng 8, giảm từ mức 2,8 triệu tấn trong tháng 7.

Mặc dù giảm trong tháng 8 nhưng tính chung 8 tháng đầu năm sản lượng thép thô của Trung Quốc vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 733,02 triệu tấn.

Với việc Trung Quốc giới hạn sản lượng năm 2021 ở mức 1.065 tỷ tấn thép thô, nước này chỉ có thể sản xuất 332 triệu tấn trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, trung bình 83 triệu tấn mỗi tháng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng ổn định.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thép phế liệu trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Tỷ trọng nhập khẩu thép phế liệu của Trung Quốc từ các thị trường chính trong 8 tháng năm 2021 (Số liệu: Hải quan Trung Quốc, Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Hoàng Hiệp