Trung Quốc sẽ sớm có 4 tàu sân bay
Theo tạp chí Popular Science, tiết lộ của công ty đóng tàu về lớp tàu mới nói rằng nó “có lượng choán nước 90-100.000 tấn, được trang bị hệ thống hỗ trợ phóng máy bay bằng điện từ (EMALS). Nó có thể mang số lượng lớn tiêm kích J-15, tiêm kích tàng hình J-31, máy bay cảnh báo sớm KJ-600, các trực thăng chống ngầm, và drone tấn công tàng hình”. Với những đặc điểm ấy, có thể nói tàu Type-004 có năng lực tương đương các tàu sân bay của Mỹ, ít nhất là trên giấy.
Tàu Liêu Ninh
Chỉ trong 10 năm qua, các công ty đóng tàu Trung Quốc đã đóng hơn 100 tàu chiến, tốc độ này vượt xa cả hải quân Mỹ. Điều quan trong là nay Trung Quốc đã có 2 tàu sân bay, gồm tàu Liêu Ninh và một tàu đang chạy thử nghiệm, chiếc thứ ba và thứ tư đang được đóng hoặc thiết kế.
Trong hầu hết chiều dài lịch sử hiện đại, Trung Quốc luôn là mục tiêu của các tàu sân bay, chứ không phải là ông chủ của chúng. Các tàu sân bay của quân đội Nhật Hoàng đã thực hiện các cuộc không kích vào đại lục Trung Quốc để hỗ trợ các lực lượng trên bộ vào những năm 1930. Các tàu sân bay Mỹ sau này thực hiện không kích vào lực lượng Trung Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên. Năm 1996, để ủng hộ Đài Loan, Mỹ triển khai tàu sân bay gần hòn đảo này như một cách để chống lại các hành động quân sự của Trung Quốc. Có thể nói rằng tàu sân bay đã gây ấn tượng mạnh với người Trung Quốc, theo National Interest.
Hiện nay, ngoài tàu Liêu Ninh có từ thời Liên Xô, Trung Quốc còn một tàu sân bay khác chưa được đặt tên, tạm gọi là tàu Type-002. Tàu Liêu Ninh chủ yếu đóng vai trò tàu huấn luyện. Mặc dù vậy, ba lần tàu này đi ngang qua eo biển Đài Loan và ghé thăm đặc khu tự trị Hong Kong cho thấy rằng hải quân Trung Quốc tin nó là công cụ phô trương sức mạnh hoàn hảo.
Tàu thứ hai Type-002 (trước đó được gọi là Type -001A)tương tự tàu Liêu Ninh nhưng có một số cải tiến, bao gồm radar chủ động mảng pha, boong rộng hơn. Các chuyên gia tin rằng tàu Type-002 sẽ mang theo số máy bay nhiều hơn một chút so với tàu Liêu Ninh, ở mức 30 tiêm kích J-15. Type- 002 sẽ là tàu sân bay có năng lực tác chiến đầu tiên trong hải quân Trung Quốc, mặc dù việc thiếu máy phóng máy bay đồng nghĩa các phi cơ của nó bị hạn chế tầm tác chiến và vũ khí mang theo.
Con tàu thứ ba đang được đóng tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Type -003, là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc áp dụng phương pháp đóng hiện đại kiểu module, với các hợp phần nặng hàng trăm tấn, được lắp ráp trên đất liên và rồi đưa xuống tàu nhờ các ụ khô. Các tàu chiến lớn của Mỹ và Anh, bao gồm các tàu sân bay USS Gerald R. Ford và HMS Queen Elizabeth cũng đều được đóng theo phương pháp này.
Con tàu mới được nói là đã từ bỏ kiểu thiết kế nhảy cầu, thay vào đó là hệ thống phóng máy bay giống như các tàu của Mỹ. Trung Quốc được cho là đã tiến hành hàng ngàn lần phóng thử máy bay bằng phương pháp phóng điện từ. Hệ thống này không những phóng được máy bay lớn hơn, nó còn có thể phóng các máy bay cánh quạt. Thậm chí hệ thống còn giúp phóng các máy bay nhỏ, không người lái. Tuy nhiên, chưa rõ kích cỡ cụ thể của các tàu lớp Type-003.
Cùng lúc đó, các nhà thiết kế Trung Quốc được cho là đang tập trung công việc cho con tàu sân bay thứ tư của nước này, tàu Type 004.