|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc liệu có đủ tiềm lực để triển khai dự án 'Vành đai, Con đường'?

16:49 | 17/05/2017
Chia sẻ
Trung Quốc vừa kết thúc hội nghị thúc đẩy chính sách “Vành đai và Con đường” (OBOR) hôm 14/5, công bố những thỏa thuận tiềm năng và cam kết các khoản viện trợ lớn để phát triển dự án. Tiềm ẩn bên dưới tất cả những chủ đề nói về việc Trung Quốc muốn thiết lập vị trí của mình trên trường quốc tế, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu Trung Quốc có đủ tài chính để làm điều đó không?
trung quoc co du tiem luc de trien khai du an vanh dai con duong

Theo Bloomberg, mối lo ngại này có vẻ là không đúng, khi nhìn vào các con số được Trung Quốc đưa ra. Trung Quốc thông báo rằng các hợp đồng trị giá gần 900 tỷ USD đã được triển khai, với ước tính chi phí trong tương lai vào khoảng 4.000 tỷ USD – 8.000 tỷ USD, phụ thuộc vào cơ quan nào của chính phủ Trung Quốc đứng ra đàm phán.

Trong buổi hội nghị cuối tuần vừa rồi (13 - 14/5), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết một khoản viện trợ khác trị giá 78 tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, đây là một cam kết khó có thể thực hiện được, kể cả đối với Trung Quốc. Họ sẽ khó có thể thực hiện được kế hoạch này mà không ảnh hưởng tới những vấn đề khác của quốc gia.

Câu hỏi đầu tiên được đưa ra đó là đơn vị tiền tệ nào sẽ được sử dụng cho tất cả các khoản vay. Cho vay bằng đồng nhân dân tệ sẽ thúc đẩy mục tiêu của Trung Quốc về việc quốc tế hóa đồng tiền của mình. Nhưng điều này cũng khiến các cơ quan chức năng cho phép tăng lượng giao dịch đồng nhân dân tệ ở bên ngoài Trung Quốc và định giá quốc tế. Cho tới nay, chính phủ Trung Quốc thể hiện họ không muốn điều này xảy ra.

Bên cạnh đó, các quốc gia tham gia vào dự án “Vành đai và Con đường” sẽ cần phải có thặng dư thương mại với Trung Quốc để tạo ra nhân dân tệ, thanh toán các khoản nợ cho quốc gia đông dân nhất thế giới. Thực tế, nhà kinh tế học Tom Orlik của Bloomberg Intelligence đã lưu ý rằng, Trung Quốc đã có thặng dư 250 tỷ USD với các nước tham gia OBOR trong năm 2016. Về toán học, Sri Lanka và Pakistan sẽ không thể thanh toán khoản nợ bằng nhân dân tệ khi hai quốc gia này có thâm hụt thương mại với Trung Quốc lần lượt là 2 tỷ USD và 9 tỷ USD.

Tài trợ các dự án bằng đồng USD cũng không phải là một giải pháp. Trừ khi Trung Quốc sử dụng trái phiếu chính phủ Mỹ để tài trợ cho các khoản đầu tư, họ sẽ phải động đến các dự trữ ngoại hối của chính phủ, hiện tại đang có khoảng 3.000 tỷ USD.

Khoản dự trữ này có vẻ như rất lớn. Nhưng theo ước tính của các chuyên gia, vài trăm tỷ đến gần 1.000 tỷ USD trong số đó là không thể chuyển thành tiền mặt. Trung Quốc cần gần 900 tỷ USD để trang trải nợ nước ngoài trong ngắn hạn và khoảng 400 tỷ USD – 800 tỷ USD để thanh toán cho nhập khẩu trong khoảng 3 – 6 tháng. Rót thêm hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng của trung tâm châu Á sẽ chỉ làm Trung Quốc không có tiền cần thiết để bảo vệ đồng nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, các quốc gia đi vay cũng cần có thặng dư đồng bạc xanh đáng kể để có thể thanh toán khoản nợ bằng USD cho Trung Quốc. Dĩ nhiên, không phải quốc gia nào cũng làm được điều này, hoặc làm giảm giá trị đồng tiền quốc gia để cố tạo ra thặng dư.

Ngoài các cơ chế cụ thể, vẫn chưa rõ ràng là liệu Trung Quốc có đủ khả năng tài chính để cho các quốc gia không có uy tín trả nợ rõ ràng vay những khoản tiền lớn hay không. Ngân hàng Natixis S. A của Pháp cho biết, để tài trợ 5.000 tỷ USD cho các dự án, Trung Quốc “sẽ cần tỷ lệ các khoản cho vay nước ngoài tăng khoảng 50%”. Điều này sẽ gây ra thiệt hại lớn cho uy tín trả nợ của Trung Quốc, và tăng nợ nước ngoài hiện đang ở mức 12% GDP lên hơn 50% GDP, nếu Trung Quốc không thể tìm ra các nước cho vay khác tham gia vào dự án.

Có một vài phương án giải quyết những khó khăn này. Đầu tiên, Trung Quốc có thể sử dụng cơ hội này để mở rộng tự do triệt để cho đồng nhân dân tệ, cho phép đồng tiền quốc gia chảy ra khỏi biên giới Trung Quốc sang những quốc gia nhận đầu tư. Tuy nhiên, phương án này khó có thể tiến hành, khi các ngân hàng Trung Quốc lo ngại về khả năng nhân dân tệ trượt giá và ảnh hưởng tới hệ thống tài chính nội địa đang yếu kém.

Phương án thứ hai Trung Quốc có thể chọn đó là chia sẻ việc tài trợ các dự án cho quốc gia và tổ chức đa phương khác. Các ngân hàng Trung Quốc cho biết họ ủng hộ ý kiến này, và chủ tịch Tập Cận Bình càng vui mừng nếu Nhật Bản cũng tham gia vào dự án này. Tuy nhiên, trong quá khứ, Trung Quốc đã từ chối đồng tài trợ các dự án với tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á, và không muốn làm việc với những quốc gia khác, kể cả với Nga.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu từ chối ký vào biên bản cuối cùng tại buổi họp cuối tuần vừa rồi sau khi Trung Quốc không đề cập đến những vấn đề tham nhũng và quản lý. Mỹ cũng tỏ ra không quá mặn mà với dự án này. Để thu hút được các quốc gia và ngân hàng châu Âu tài trợ cho các dự án vẫn chưa được phân tích và đánh giá sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Còn một phương án khác, nhưng kết quả không mấy khả quan, đó là Trung Quốc có thể dùng nguồn tài chính công để tài trợ dự án trong khi các ngân hàng trong nước có khả năng sẽ mất tiền. Hiện tại, các ngân hàng Trung Quốc có vẻ như sẵn sàng cho vay bằng USD kể cả khi họ thiếu tiền.

Tuy nhiên, rõ ràng là số tiền để sử dụng cho dự án “Vành đai và Con đường” sẽ ít hơn nhiều so với thông tin được đưa ra. Chính sách của ông Tập Cận Bình có thể coi như một “triết lý” hay “một đường lối chính trị” thay vì một cam kết bền vững. Một điều chắc chắn là: Để triển khai được dự án này sẽ khó hơn rất nhiều so với tiến hành một cuộc hội thảo.

Lyly Cao