Trung Quốc lao đao, chứng khoán Hong Kong từ đỉnh vinh quang xuống tận cùng đau khổ
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán: Nhà đầu tư đã phản ứng thái quá khi cố bán bằng mọi giá | |
Mỹ tính 'cấm cửa' nhà mạng Trung Quốc China Mobile |
Trong khi nhiều nhà đầu tư đang lo ngại về sự suy yếu của đồng nhân dân tệ và kế hoạch tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ, thị trường chứng khoán Hong Kong là nơi phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì có quan hệ mật thiết với cả Trung Quốc và Mỹ.
Trong phiên giao dịch thứ Tư tuần này, chỉ số chứng khoán Hang Seng giảm 1,1%. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang diễn biến nghiêm trọng hơn kỳ vọng, qua đó thổi bùng lên ngọn lửa bán tháo trên thị trường chứng khoán, đưa tỷ số định giá P/E xuống gần mức thấp nhất 2 năm qua.
Quý 1 năm nay, chỉ số Hang Seng từng có quý tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1996 nhưng thành tích này đã nhanh chóng tan biến vì sự phụ thuộc của các công ty vào nguồn lợi nhuận từ Trung Quốc, mối quan hệ của Hong Kong với chính sách tiền tệ của Mỹ và sự thất sủng đối với các công ty như Tencent.
Sau 5 quý liên tiếp tăng trưởng và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 1, chỉ số Hang Seng đã liên tục suy giảm trong các tháng 4, 5 và 6.
Ông Stephen Innes, giám đốc giao dịch khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Oanda Corp nhận định: “Tình hình đang diễn biến xấu. Các số liệu về kinh tế Trung Quốc ngày càng tiêu cực và sự mất giá của đồng nhân dân tệ khiến nhiều người liên tưởng tới đợt suy thoái năm 2015. Trước đây không ai nghĩ đến chuyện dòng vốn ngoại sẽ tháo chạy. Còn giờ đây, tiền mặt là nơi trú ẩn duy nhất”.
Tỷ số P/E dự báo 12 tháng của chỉ số Hang Seng. Nguồn: Bloomberg. |
Những nhà đầu tư giá lên đang mất dần niềm tin vào thị trường Hong Kong. Trong 17 tuần liên tiếp, nhà đầu tư quốc tế từng đổ tiền vào các quỹ mô phỏng biến động của cổ phiếu tại Hong Kong và các công ty của Trung Quốc niêm yết tại hòn đảo này. Tuy nhiên theo số liệu của công ty China International Corp, tính từ đầu tháng 6, nhà đầu tư quốc tế đã rút ròng gần 4 tỷ USD.
Nhiều đợt IPO lớn cũng đang đe dọa định giá của các công ty trên sàn vì hàng tỷ USD sẽ bị rút ra để để đầu tư vào những cổ phiếu mới. Gần đây, Xiaomi huy động được 4,7 tỷ USD sau khi định giá đợt chào bán IPO của mình ở mức thấp nhất trong khoảng giá. Cổ phiếu của hãng sẽ bắt đầu giao dịch chính thức từ ngày 9/7. Công ty Meituan Dianping đang dự tính một đợt IPO nhằm huy động khoảng 6 tỷ USD. Còn đợt niêm yết tới đây của China Tower Corp sẽ trở thành đợt niêm yết lớn nhất Hong Kong kể từ 2010.
Nhìn chung thị trường chứng khoán Hong Kong đã cầm cự khá tốt so với Trung Quốc đại lục, chỉ số thường xuyên duy trì ở mức cao hơn đầu năm cho đến khi đồng nhân dân tệ mất giá quá mạnh vào giữa tháng 6. Nhiều công ty lớn như Nomura Holdings và Morgan Stanley đã điều chỉnh giảm dự báo chỉ số Hang Seng, tuy vậy một số nhà chiến lược đầu tư vẫn cho rằng sẽ có một đợt hồi phục vào nửa cuối năm nay.
Bà Wendy Liu, Giám đốc nghiên cứu chứng khoán Trung Quốc tại Nomura nói: “Câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra lúc này là liệu nền kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hay không, và chúng ta cần thêm số liệu để đánh giá chính xác”.
Tỷ lệ P/E của chỉ số Hang Seng hiện nhỏ hơn 11 lần, thấp hơn khoảng 5% so với mức trung bình 10 năm qua. Dự báo lợi nhuận đang bị điều chỉnh giảm. Theo Morgan Stanley, khoảng 60% lợi nhuận của các công ty trong chỉ số Hang Seng là bằng đồng nhân dân tệ - một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất tháng vừa qua.
Tình hình càng trở nên u ám khi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Thượng Hải đã bán ròng cổ phiếu tại Hong Kong trong 3 tháng liên tiếp thông qua đường liên kết giữa hai sàn. Cơ chế neo tỷ giá với đồng USD cũng khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên: Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng của Hong Kong vượt mức 2% lần đầu tiên kể từ 2008.
Morgan Stanley dự báo chỉ số Hang Seng sẽ còn khoảng 27.200 điểm vào tháng 6/2019, tức thấp hơn 4,7% so với mức đóng cửa hôm thứ Ba tuần này. Do vậy, đợt bán tháo chứng khoán ở Hong Kong vẫn chưa thể kết thúc.
Bà Laura Wang, chiến lược gia tại Morgan Stanley nhận định: “Có nhiều nguyên nhân khác nhau: đồng nhân dân tệ suy yếu, bất ổn về thương mại, Fed tăng lãi suất 4 lần trong năm nay và tình hình thanh khoản suy kiệt tại Trung Quốc. Chúng tôi thấy các nhân tố này sẽ không thể thay đổi ngay được".