|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc hụt hơi trong cuộc đua số 1 với Mỹ

20:23 | 12/08/2017
Chia sẻ
Các chính sách khó đoán và quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng đang khiến cỗ máy kinh tế Trung Quốc dần mất đà.
trung quoc hut hoi trong cuoc dua so 1 voi my
Công nhân Trung Quốc làm việc trong một nhà máy ở An Huy. Ảnh:Reuters

Hãng bảo hiểm Trung Quốc – Anbang Insurance gần đây đang tuột dốc không phanh. Mới cách đây không lâu, họ còn là biểu tượng cho tham vọng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc, khi liên tục theo đuổi các thương vụ M&A quốc tế. Nhưng hiện tại, Chính phủ Trung Quốc được cho là đang gây sức ép buộc họ bán tài sản ngoại và mang tiền về nước.

Nếu điều này là đúng, Trung Quốc chỉ càng cho các nhà đầu tư nước ngoài thêm lý do để e ngại làm ăn với công ty nước này. Đó là sự bất ổn định trong chính sách can thiệp vào các vấn đề tài chính tư nhân.

Tuy nhiên, Anbang chỉ là một dấu chấm trong bức tranh tổng thể về tương lai kinh tế Trung Quốc. Trong tất cả lĩnh vực, đà tăng trưởng của Trung Quốc nhằm vươn tới vị trí siêu cường kinh tế toàn cầu đều đang chững lại.

Gần như cả thế giới tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn chặn. Một khảo sát gần đây của Pew Research Center cho thấy dù phần lớn nhận định Mỹ vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách. Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình cũng càng củng cố quan điểm này khi xây dựng cho nước mình hình tượng luôn cổ vũ toàn cầu hóa và có nhiều bước tiến về kinh tế cũng như thương mại.

Tuy nhiên, các số liệu lại cho thấy một câu chuyện khác. Người ta vẫn cho rằng Trung Quốc đang nhấn chìm thế giới khi xuất khẩu mọi thứ, từ điện thoại di động, thép đến giày thể thao. Nhưng trên thực tế, cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc đang gặp trục trặc. Giai đoạn 2006 – 2011, tổng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng gần gấp đôi, giúp nước này vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng từ đó, tốc độ này còn chưa tới 11%, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Xu hướng chậm lại cũng diễn ra tương tự với đồng Nhân dân tệ (NDT). Cuối năm 2014, NDT lọt top 5 tiền tệ được dùng phổ biến nhất trong thanh toán toàn cầu, chiếm 2,2% giá trị giao dịch. Trung Quốc từng bám rất sát mục tiêu dài hạn là biến NDT thành đối thủ thực sự của đồng đôla Mỹ. Tuy nhiên, quá trình này đã đảo chiều. Hồi tháng 6, tổng giá trị giao dịch thanh toán quốc tế bằng đồng NDT chỉ là 2%, lùi xuống dưới đôla Canada.

Trên thị trường vốn Trung Quốc, dù Chính phủ nước này đã mở cửa phần nào thị trường cổ phiếu và trái phiếu cho nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư vẫn thích mua cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong hoặc New York hơn là Thượng Hải hay Thâm Quyến.

Nguyên nhân của việc này một phần là Trung Quốc đang trải qua giai đoạn chuyển dịch khó khăn mà nước nào cũng phải đối mặt khi mất lợi thế giá rẻ. Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước như Ấn Độ hay Việt Nam – những nơi có giá nhân công rẻ hơn, Trung Quốc đang dần mất sân chơi tại các lĩnh vực như xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. Trong khi đó, tốc độ thay thế các ngành xuất khẩu truyền thống bằng ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao vẫn chưa diễn ra đủ nhanh. Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu 708.000 xe, giảm mạnh so với 910.000 xe năm 2014.

Bên cạnh đó, chính sách của Trung Quốc cũng không hoàn toàn hỗ trợ quá trình mở rộng trên toàn cầu. Đồng NDT vẫn bị cho ra rìa trên thị trường tiền tệ vì chính phủ Trung Quốc thường xuyên can thiệp. Hồi tháng 5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đảo ngược chính sách tự do hóa giao dịch NDT trước đây, để tăng kiểm soát nội tệ. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quên được Bắc Kinh đã can thiệp mạnh tay đến thế nào để ngăn chứng khoán lao dốc năm 2015. Việc này khiến họ càng e ngại nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.

Không lĩnh vực nào cho thấy sự bất nhất giữa tham vọng toàn cầu và chính sách thực sự của Trung Quốc rõ ràng hơn là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Có thời điểm, giới chức khuyến khích các công ty làm M&A ở nước ngoài, tạo ra làn sóng mua sắm của các công ty như Anbang Insurance. Tuy nhiên, việc này cũng khiến hoạt động vay nợ để đi mua tăng theo.

Khi phát hiện ra vấn đề này, Chính phủ Trung Quốc khắc phục bằng cách đột ngột thay đổi chính sách và kìm hãm các thương vụ quốc tế. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn tăng 9% nửa đầu năm nay, nhưng chỉ nhờ một thương vụ lớn – Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc - ChemChina mua Syngenta. Nếu trừ đi, giá trị các thương vụ sẽ giảm một phần ba.

Nguyên nhân sâu xa của sự chững lại là Trung Quốc không thể ngừng can thiệp vào thị trường. Để khôi phục xuất khẩu, Trung Quốc đã tung chương trình hỗ trợ để nâng cấp sản xuất có tên “Made in China 2025”. Để giúp các công ty mở rộng hoạt động trong khu vực, họ đưa ra sáng kiến Vành đai, Con đường, dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường Tơ lụa trước đây.

Kể cả chưa có sự can thiệp của Chính phủ, các công ty Trung Quốc cũng đã đủ khó khăn trong quá trình chuyển mình thành người chơi toàn cầu, do phải cạnh tranh về thương hiệu, công nghệ, tài chính và kiến thức chuyên môn. Vì thế, sự trì trệ này được dự báo còn lâu nữa mới chấm dứt.

Hà Thu