|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc hưởng lợi từ việc nhập khẩu thép ở thị trường có biến chủng Delta lan rộng

16:02 | 10/08/2021
Chia sẻ
Công ty Maybank Kim Eng nhận định biến thể Delta đang lan rộng ở Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam khiến nhu cầu tiêu thụ thép nội địa suy yếu. Do đó, Trung Quốc có khả năng hưởng lợi khi các thị trường này gia tăng xuất khẩu.

Theo phân tích của công ty TNHH MTV Chứng Khoán Maybank Kim Eng nhu cầu thép vẫn đang gia tăng do sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô và sự hồi phục của ngành xây dựng.

Trong khi các trung tâm sản xuất thép lớn của thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu.

Do đó Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu thép từ các nước khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép rất cao trong bối cảnh sản xuất thép bằng công nghệ lò thổi bị hạn chế do chính sách giảm phát thải carbon.

Quốc gia này sẽ nhập khẩu thêm phôi thép để đáp ứng nhu cầu sử dụng thép mà không cần phải sản xuất thêm thép thô.

Hiện nay biến thể Delta đang lan rộng ở Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam khiến nhu cầu tiêu thụ thép nội địa suy yếu. Do đó, Trung Quốc có khả năng hưởng lợi khi các thị trường này gia tăng xuất khẩu.

Maybank Kim Eng cho biết gần đây Trung Quốc đang thắt chặt các biện pháp để cắt giảm lượng thép sản xuất bằng lò thổi. 

Do đó các nhà sản xuất cần phải theo dõi cách Trung Quốc thực hiện mục tiêu đối với ngành thép để giảm phát thải carbon. Bởi những biện pháp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép trên thế giới nói chung và doanh nghiệp thép Việt Nam nói riêng.

Biến thể Delta lan rộng, Trung Quốc hưởng lợi từ việc nhập khẩu thép - Ảnh 1.

Phần lớn sản lượng thép của Trung Quốc sản xuất theo công nghệ BOF (Ảnh: Maybank Kim Eng)

Theo Maybank Kim Eng, Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất thép thô bằng công nghệ lò thổi bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp duy trì sản lượng sản xuất thép thô không vượt quá sản lượng 1 tỷ tấn của năm 2020.

Nói cách khác, các tỉnh có sản lượng thép thô 6 tháng đầu năm vượt mức cùng kỳ năm ngoái phải cắt giảm sản lượng sản suất trong 6 tháng cuối năm để đảm bảo sản lượng sản xuất cả năm không vượt quá năm 2020.

Mục tiêu này sẽ thành công nếu sản lượng sản xuất 6 tháng cuối năm thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên thực tế, trong tháng 6 sản lượng thép ở trung tâm BOF Hà Bắc, nơi chiếm 21% tổng sản lượng thép sản xuất của Trung Quốc đã ghi nhận sản lượng thép giảm 17,5%. Điều này cũng xảy ra tương tự với các khu sản xuất thép khác.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng thực hiện giảm hoàn thuế xuất khẩu để ưu tiên nhu cầu nội địa.

Cụ thể ngày 1/5, nước này xem xét cắt giảm hoàn thuế xuất khẩu đối với thép cuộn cán nóng (HRC) và thép cây từ 13% xuống còn 0%.

Đến ngày 1/8, Trung Quốc tiếp tục cắt giảm hoàn thuế xuất khẩu đối với HRC và thép cuộn kẽm nóng xuống còn 4%.

Việc áp dụng chính sách về thuế đang buộc các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời không sản xuất quá mức để đáp ứng nhu cầu thị trường ngoài nước.

Hoàng Anh