|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc hoàn thành hơn 90% kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước

21:19 | 07/05/2022
Chia sẻ
Theo đó, việc cải cách quản trị của các SOE về cơ bản đã kết thúc, và các doanh nghiệp nhà nước thực chất không còn cần phải thực hiện các chức năng xã hội nữa.

 Công nhân trong nhà máy tại Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN).

Theo cuộc họp ngày 7/5 của Nhóm dẫn đầu về cải cách doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Trung Quốc, hơn 90% nhiệm vụ của kế hoạch hành động ba năm 2020-2022 để cải cách các doanh nghiệp nhà nước (SOE) đã được hoàn thành.

Kế hoạch cải cách 2020-2022, vốn được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ nỗ lực chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành các doanh nghiệp hiện đại, cạnh tranh, được các địa phương nỗ lực thực hiện toàn diện và có nhiều bước đột phá.

Theo đó, việc cải cách quản trị của các SOE về cơ bản đã kết thúc, và các doanh nghiệp nhà nước thực chất không còn cần phải thực hiện các chức năng xã hội nữa.

Các bước đột phá được thực hiện trong các lĩnh vực chính, gồm có tối ưu hóa hệ thống doanh nghiệp hiện đại và cơ chế vận hành theo định hướng thị trường.

Trong động thái khác mới đây, các đợt phong tỏa nghiêm ngặt được Trung Quốc áp đặt nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Những ảnh hưởng do lệnh phong tỏa được áp đặt hồi tháng Tư tại trung tâm tài chính Thượng Hải, trung tâm sản xuất ô tô tại Trường Xuân (thủ phủ của tỉnh Cát Lâm) và các nơi khác đã được chứng minh qua số liệu chính thức đầu tiên của tháng được công bố vào cuối tuần qua. Theo các cuộc khảo sát về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn sự lây lan của đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.

Sự căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trở nên rõ ràng, với số liệu PMI cho thấy các nhà cung cấp phải đối mặt với sự chậm trễ lâu nhất trong hơn 2 năm qua trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho khách hàng sản xuất. Lượng thành phẩm tồn kho tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập niên, trong khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu giảm mạnh.

Nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei tại Pinpoint Asset Management dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II sẽ suy giảm vì các đợt phong tỏa có thể sẽ diễn ra liên tục. Vấn đề quan trọng trong tương lai là chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19 hiện nay như thế nào để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

Hà Chung