Trung Quốc giảm thuế VAT áp lực đè nặng lên xuất khẩu sắn qua biên mậu
Một số nhãn hàng tinh bột sắn chịu sức ép phải bán giá thấp
Cục Xuất nhập khẩu cho hay hiện nay đã vào thời điểm cuối vụ sắn 2018 - 2019, các nhà máy chủ yếu đã dừng sản xuất. Xuất khẩu tinh bột sắn qua kênh biên mậu vẫn trong trạng thái trầm lắng.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết đầu tháng 4, nhu cầu mua hàng của các nhà máy phía Trung Quốc chậm, một số nhãn hàng tinh bột sắn của Việt Nam bị sức ép bán hàng để thu hồi vốn phải bán với mức giá khá thấp.
Thêm vào đó, mức thuế VAT sản phẩm sắn tại Trung Quốc giảm, tạo điều kiện thuận lợi hơn về giá cho các đơn vị nhập khẩu chính ngạch qua các cảng biển Trung Quốc. Thế nhưng, điều này gây áp lực lên giá xuất khẩu tinh bột sắn qua đường biên mậu.
Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định: "Mức thuế VAT sản phẩm sắn tại Trung Quốc giảm, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch qua các cảng biển Trung Quốc và buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tinh bột sắn qua đường biên mậu phải điều chỉnh giá phù hợp".
Ngoài ra, tình hình xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường châu Âu không tốt trong bối cảnh Anh chưa tìm được giải pháp cho việc Brexit, cộng thêm Chính phủ Trung Quốc họp quốc hội để thống nhất các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế nên các nhà máy hiện đang mua hàng chậm.
Hiệp hội sắn Việt Nam cho hay hiện tại, đã vào thời điểm nắng nóng, theo quy luật hàng năm, nhu cầu sử dụng Tinh bột sắn cho sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng tồn kho của các nhà máy Việt Nam vụ 2018 - 2019 không nhiều. Do đó, theo ước tính của thương nhân, lượng hàng này sẽ đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc và các nước khác cho tới vụ mới 2019 - 2020.
Ảnh minh họa
Kim ngạch xuất khẩu sắn sang Trung Quốc trong quý I giảm tới 70%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 , Việt Nam xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chủ yếu sang các nước châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm 92,7% tổng lượng sắn xuất khẩu, đạt 254.250 tấn, trị giá 90,92 triệu USD, tăng 34,5% về lượng và tăng 25,7% về trị giá so với tháng 2.
Tính chung quý I, lượng sắn đã xuất khẩu đạt 93.310 tấn, trị giá 15,69 triệu USD, giảm 65,9% về lượng và giảm 70% về trị giá so với cùng kì năm 2018, giá xuất khẩu bình quân đạt 168,17 USD/tấn, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Thời gian qua xuất khẩu sắn sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nhu cầu nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn từ Trung Quốc giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn của Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Ngoài ra, hiện nay Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ. Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia của Trung Quốc (Sinograin) thông báo đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn và dẫn tới sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch thúc đẩy mở rộng sản xuất và sử dụng ethanol với mục tiêu sử dụng 10 triệu tấn ethanol vào năm 2020 sẽ đẩy nhu cầu sắn tăng gấp đôi (dự kiến tỉ lệ 2-2,3 kg sắn cho 1 lít ethanol). Thêm vào đó, đồng baht của Thái Lan tiếp tục tăng giá so với đồng USD, giúp giá sắn của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với giá sắn Thái Lan trên thị trường Trung Quốc.