Trung Quốc dựng rào siết chặt, thế mạnh tỷ USD Việt Nam lao đao
Nông sản tỷ đô xuất khẩu gặp khó
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt 16,2 tỷ USD, chỉ tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản chính giá trị xuất khẩu ước đạt gần 7,74 tỷ USD, giảm tới 9,5%.
Cụ thể, nằm trong top những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ đô, song 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chỉ đạt 1,08 triệu tấn tương ứng với 414 triệu USD, theo đó, giảm 17,6 về khối lượng và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn Việt Nam. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, mặt hàng nông sản này xuất sang thị trường Trung Quốc giảm tới 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm là bởi xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên cả hai kênh xuất khẩu chính ngạch và biên mậu. Nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã tạm ngưng sản xuất khiến nguồn cung tinh bột sắn xuất khẩu khan hiếm. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu đang giảm mạnh nên doanh nghiệp cũng có xu hướng gom hàng, tạm ngưng xuất khẩu.
Sau gạo, trái cây, sắn là mặt hàng tiếp theo bị Trung Quốc siết chặt nhập khẩu
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Cục này cũng dự báo, trong thời gian tới, các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu. Tình trạng này được dự đoán sẽ kéo dài đến hết quý II năm nay.
Thế nhưng, sắn và sản phẩm từ sắn không phải là mặt hàng duy nhất bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Trước đó, thị trường đông dân nhất trên thế giới này cũng tăng cường các rà0 cản với mặt hàng gạo Việt xuất khẩu.
Theo đó, từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã áp dụng nhiều hàng rào như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm. Chưa kể, trong 150 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu gạo, Trung Quốc chỉ cho phép 20 doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới, dẫn đến việc bán gạo cho nước này gặp khó khăn.
Thực tế, khối lượng gạo Việt xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2,83 triệu tấn, giá trị đạt 1,21 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng và giảm tới 20,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Tổng Cục hải Quan, thay vì thứ nhất, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam 2 tháng đầu năm.
Tương tự, việc Trung Quốc đẩy mạnh truy suất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng, phải đăng ký mã số vùng trồng, yêu cầu làm thông quan tại các cửa khẩu chỉ định… khiến ngành hàng xuất khẩu rau quả, đặc biệt là trái cây của nước ta cũng lao đao.
Như vào dịp đầu tháng 4 vừa qua, do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nên dứa Lào Cai bí đầu ra, giảm giá mạnh, người dân thua lỗ nặng. Hay hơn 3.500ha chuối của bà con nông dân Lai Châu cũng gặp khó trong vấn đề tiêu thụ do quy định truy xuất nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trước đó, cây thạch đen Lạng Sơn cũng bị ảnh hưởng do những rào cản mới này từ phía Trung Quốc.
Tìm kiếm thị trường thay thế
Dù gặp nhiều rào cản trong xuất khẩu, nhưng theo ông Hòa, xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn tiếp tục kỳ vọng sẽ tăng trở lại sau khi nước này công bố 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường này. Khi đó, xuất khẩu toàn ngành gạo sẽ tăng trưởng và ổn định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngoài chờ đợi tín hiệu từ thị trường Trung Quốc, lãnh đạo Cục này cũng cho biết, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đàm phán hạn ngạch xuất khẩu gạo vào Hàn Quốc. Thị trường Indonesia sẽ tăng nhập khẩu gạo vào quý 3 và 4. Philippines đã mở các cuộc đàm phán về hợp đồng nhập khẩu... Khi ấy, hy vọng việc xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc hơn.
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo thay thế cho thị trường Trung Quốc
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu gạo có tiếng ở Cần Thơ thừa nhận, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc sút giảm mạnh. Song, doanh nghiệp này đã tìm kiếm được nhiều thị trường thay thế như Philipines, Malaysia, Trung Đông…
Với mặt hàng rau quả xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 74% thị phần rau quả Việt xuất khẩu. Đặc biệt, cuối tháng 4/2019, Trung Quốc cũng vừa cấp phép nhập khẩu măng cụt của Việt Nam, là loại trái cây thứ 9 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm). Thế nhưng ngành hàng nông sản này cũng đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính các.
Cụ thể, số liệu từ Trung tâm tin học và thống kê cho thấy, xuất khẩu rau quả 2 tháng trở lại đây đang dần khởi sắc, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường khó tính tăng mạnh như: Úc (tăng 39,9%), Hà Lan (tăng 29,22%); Hàn Quốc (tăng 25,53%) và Pháp (tăng 24,81%).
Mới đây, quả xoài của Việt Nam cũng chính thức xuất khẩu vào Mỹ. Theo đó, loại quả đặc sản này của nước ta hiện được xuất khẩu sang 40 thị trường trên thế giới như: châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand,... Đây cũng là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chỉ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế sẽ giúp Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và hướng tới phát triển ổn định, hạn chế tình trạng được mùa nhưng rớt giá do bí đầu ra.