|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc điều chỉnh nhiều chính sách biên mậu với hàng thủy sản

10:15 | 26/08/2019
Chia sẻ
Theo thông báo từ một số tỉnh thành tại Việt Nam có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… hiện xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc điều chỉnh nhiều chính sách biên mậu với hàng thủy sản - Ảnh 1.

Từ năm 2018, Trung Quốc thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách biên mậu đối với mặt hàng thủy hải sản Việt Nam.

Thủ tục hải quan, kiểm dịch được phía Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đầy đủ nên hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, quy cách bao gói, nhãn mác, nhiều lô hàng đã bị trả lại.

Báo cáo của các ngành chức năng tại khu vực biên giới, đầu tháng 8/2019 vẫn còn nhiều lô hàng thủy sản còn tồn đọng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái không thể thông quan, như: Tôm Khánh Hòa trên 129 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang xấp xỉ 60 tấn; tép khô Phan Thiết 14 tấn…

Theo Công văn số 5388 ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc cung cấp thông tin việc thay đổi chính sách biên mậu của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy sản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, năm 2018 chính quyền thị xã Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) chính thức khởi động mô hình logistics Blockchain xuyên khu vực, xuyên quốc gia đối với hàng thủy sản.

Để triển khai mô hình Blockchain, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm.

Các sản phẩm của Việt Nam chưa nhận được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm thủy hải sản (sứa, cá biển…), nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.

Tất cả các sản phẩm cá nuôi hoặc đánh bắt từ biển (từ hải sản ướp đá), đều phải được lấy từ các công xưởng có đăng ký doanh nghiệp Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp.

Trung Quốc điều chỉnh nhiều chính sách biên mậu với hàng thủy sản - Ảnh 2.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu, bao bì đóng gói in ấn phải chắc chắn (không bao gồm sản phẩm ướp đá). Chú thích ghi nhãn phải đầy đủ, bao gồm: Tên thương mại và khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất (đánh bắt biển/nuôi trồng), vùng sản xuất, tên và mã số doanh nghiệp chế biến sản xuất phải ghi rõ đích đến là nước Công hòa Nhân dân Trung Hoa.

Phía Trung Quốc cũng thông báo một số nội dung liên quan đến quản lý, giám sát hàng hóa, đặc biệt là tăng cường quản lý về kiểm dịch. Cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ không cho phép khai báo hải quan, không phê duyệt kiểm dịch và không cho phép nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm không có trong danh mục chuẩn kiểm dịch.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện danh mục hàng thủy sản Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối mở/cặp chợ là 137 loại. 

Về thủ tục cần thiết để hàng thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua cặp chợ biên giới, gồm hai yêu cầu chính: Sản phẩm xuất khẩu phải là của các doanh nghiệp Việt Nam được cấp mã doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc do Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ NN-PTNT cấp và Chứng thư kiểm dịch của các Chi cục vùng trực thuộc Nafiqad.

Nguyên Huân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.