|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc có thể tạm dừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam

14:41 | 10/06/2021
Chia sẻ
Cảng Trạm Giang (Quảng Đông, Trung Quốc) có thể tạm dừng nhập khẩu thủy sản đông lạnh từ một số nguồn cung lớn trong đó bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và 8 quốc gia châu Á khác. Một số ý kiến quan ngại, các cảng khác cũng sẽ có động thái tương tự.

Trung Quốc lại siết chặt kiểm dịch thực phẩm đông lạnh

Theo nguồn tin trang Undercurrent News Cảng Trạm Giang (Quảng Đông, Trung Quốc) mới đây quyết định tạm hoãn nhập khẩu thủy sản đông lạnh từ một số nguồn cung lớn trong đó bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và 8 quốc gia châu Á khác.

Ít nhất hai nguồn tin cho biết họ nhận được thông báo từ hải quan rằng tạm hoãn nhập khẩu thủy sản từ hàng loạt quốc gia bắt đầu từ ngày 20/6 đến ngày 15/7.

Trang Undercurrent News trích nội dung thông báo rằng cảng Trạm Giang sẽ không cho phép nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Mông Cổ. Các quốc gia còn lại không bị nhắc tới vẫn xuất khẩu bình thường.

Mặc dù vậy, thông báo này vẫn chưa được công bố chính thức. 

Đầu tuần trước, Trung Quốc thông báo hoãn Hội trợ Thủy sản Quốc tế dự kiến được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20/6 do dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Hồi cuối tháng 5, tỉnh Quảng Đông ghi nhận hàng loạt ca mắc COVID-19 và đã áp hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm kiểm soát dịch.

Doanh nghiệp Trung Quốc lo không có nguyên liệu sản xuất

Các công ty chế biến thủy sản Trung Quốc đang tỏ ra lo ngại lệnh cấm này có thể gây ra đứt gãy trong nguồn cung nguyên liệu. 

Chủ của một doanh nghiệp chế biến tại thành phố Trạm Giang bày tỏ quan ngại sâu sắc lệnh tạm hoãn nhập khẩu ở cảng Trạm Giang có thể dẫn tới hàng loạt cảng khác cũng sẽ có động thái tương tự. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty chế biến thực phẩm. 

“Các công ty chế biến thường nhập khẩu tôm bỏ đầu của Ấn Độ để chế biến và cung ứng cho thị trường nội địa hoặc tái xuất. Vì vậy nếu không nhập khẩu được tôm Ấn Độ nhiều nhà máy có thể gặp khó khăn trong sản xuất”, vị này giải thích. 

Ngoài Trạm Giang, các nhà máy chế biến thủy sản quy mô nhỏ ở các thành phố lân cận như Mã Minh, Chu Hải và Giang Môn cũng gặp khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán lại giảm. 

Ông Leo Xie, Giám đốc Kinh doanh của công ty Guangdong Mingji Aquatic Product cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua đã làm tình hình kinh doanh trở nên xấu hơn. 

“Vừa qua là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với những nhà máy chế biến thủy sản. Một số nhà máy nhỏ đã phải ngừng mua nguyên liệu hoặc tạm dừng sản xuất”, ông Leo Xie cho biết. 

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dấn số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, trong tháng 4, nhập khẩu tôm nước ấm của nước này đạt 43 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 21% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thủy sản từ 5 công ty lớn của Ấn Độ sau khi phát hiện virus Sars-Cov-2 trên bao bì lô hàng của các công ty này. 

Ông Andy Shen, Giám đốc Marketing công ty Ocean Treasure cho biết hoạt động thông quan các lô hàng của Ấn Độ được thắt chặt kể từ tháng 5. Theo đó, các lô hàng của Ấn Độ được kiểm tra riêng, tách bạch với lô hàng khác nhằm tránh lây nhiễm chéo. 

Từ xưa đến nay vẫn thường xuyên cấm. Nhiều lần, đợt thiếu COVID-19. mĩ cũng đã kiếm nghiệm không có. khống chế. 

Doanh nghiệp lo tăng chi phí

Trao đổi với người viết ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cho rằng thực tế không có chuyện virus Sars - Cov - 2 trên bao bì sản phẩm đông lạnh. 

"Trước đây, Mỹ cũng đã chứng minh việc không có chuyện virus Sars- Cov- 2 tồn tại trên các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu. Đây chỉ là động thái tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc và đồng thời là cách để nước này "tung hỏa mù" phủ nhận nguồn gốc virus là từ Vũ Hán", ông Nam cho nhận định.

Ông Nam cho biết việc này không quá ngạc nhiên bởi trước đây nhiều lần Trung Quốc đã áp dụng sắc lệnh tương tự với hàng thực phẩm đông lạnh.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết trước đó Cục Thú y Việt Nam cũng đã từng thử kiểm tra các lô hàng đông lạnh nhập khẩu nhưng không phát hiện virus Sars- Cov- 2. 

Ông Bá Anh thông tin thêm năm ngoái các doanh nghiệp Việt Nam cũng từng chịu cảnh tương tự khi Trung Quốc cũng tạm dừng nhập khẩu thủy sản đông lạnh vì cho rằng có chứa virus Sars- Cov- 2.

"Việt Nam đã chứng minh lô thủy sản của mình xuất xứ miền Tây Nam Bộ. Trong khi, thời điểm Trung Quốc đưa ra lệnh tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, khu vực Tây Nam Bộ lại không có dịch", ông Bá Anh chia sẻ với người viết.

Việc Trung Quốc siết chặt kiểm dịch có thể tăng chi phí xuất khẩu cho doanh nghiệp. Ông Nam cho biết hiện tại giá thuê container tăng 5 - 10 lần so với trước thời điểm xảy ra đại dịch.  Việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ thủy sản đông lạnh nhập khẩu càng khiến việc đặt container trở nên khó khăn hơn bởi doanh nghiệp phải thay đổi lộ trình. 

"Việc đặt container bình thường đã rất khó, nên khi có container doanh nghiệp chấp nhận mọi giá để có thể đặt được. Trong khi đó, khách hàng chỉ chịu một phần giá thuê container, phần chênh còn lại doanh nghiệp sẽ phải chịu. Do đó, chi phí có thể sẽ phải tăng lên cao", ông Nam cho biết.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng khá chậm.

Trung Quốc có thể tạm dừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam, doanh nghiệp lo chi phí tăng cao - Ảnh 2.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này tháng 4 tăng nhẹ gần 3%. Trong khi đó, thị phần giảm từ 10,9% năm 2020 xuống còn 10,2%.

Chia sẻ với người viết, đại diện Công ty Công ty Cổ phần Nam Việt cho biết trong những lần Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thủy sản trước đó, công ty cũng đã giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này, từ mức 40% xuống chỉ còn khoảng 20%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định đợt dịch này cũng sẽ khiến Trung Quốc siết chặt hơn việc kiểm soát virus Sars-Cov-2 đối với hàng nhập khẩu và thương mại qua biên giới, làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại với Trung Quốc. 

"Tuy nhiên, với kinh nghiệm ứng phó trong hơn 1 năm qua, kỳ vọng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua được đợt dịch này và tận dụng tốt cơ hội. Tình trạng dịch COVID-19 trầm trọng tại Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước này là cơ hội cho Việt Nam giành thị phần tại các thị trường nhập khẩu", Bộ nhận định.

H.Mĩ