|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trump 'lặng thầm' công bố sắc lệnh cấm nhập cư thứ hai như thế nào?

11:07 | 07/03/2017
Chia sẻ
Phiên bản thứ hai của sắc lệnh cấm du lịch của Tổng thống Donald Trump không phải là "một vụ nổ lớn" mà chỉ là "một tiếng thì thầm".

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ đã không tự mình công bố sắc lệnh nhập cư mới, thậm chí cũng không đăng tải trên trang twitter của mình. Tổng thống Trump đã lẳng lặng ký sắc lệnh.

Sắc lệnh được trì hoãn công bố tới 10 ngày, để đảm bảo rằng không có bất kỳ sự hỗn loạn nào xảy ra ở các sân bay. Chi tiết được chỉ ra rõ ràng cẩn thận trước cho các phóng viên, và toàn văn của sắc lệnh được công bố chưa đầy một giờ sau khi ông Trump ký ban hành.

Cách công bố sắc lệnh này trở nên nhàm chán - một cách làm dành cho quy định nhỏ, không phải là kiểu dành cho một trong những chiến dịch quan trọng hàng đầu thực hiện cam kết của tổng thống mới.

Sắc lệnh cấm nhập cư đối với người dân đến từ các quốc gia Hồi giáo trước đó được ngầm hiểu là sự thách thức đầu tiên của tổng thống mới, nhưng sắc lệnh hôm qua được quản lý cẩn thận theo từng giai đoạn để dập tắt sự nhầm lẫn hay tranh cãi.

Cá nhân ông Trump đã tham vấn các trợ lý về việc làm thế nào để ban hành sắc lệnh trong bữa tối thứ 7 tại Mar-a-Lago, khu nghỉ riêng của tổng thống Trump tại Palm Beach, Florida, theo Thư ký báo chí Nhà trắng Sean Spicer. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly, Cố vấn pháp lý Nhà trắng Don McGahn, và các cố vấn hàng đầu Steve Bannon và Stephen Miller là những vị khách có mặt trong bữa tối của tổng thống.

Ông Trump và nhóm của mình đã đưa ra những chi tiết cuối cùng của sắc lệnh và cách nó sẽ được công bố, theo ông Spicer. Sau bữa ăn, các trợ lý Nhà trắng và các cơ quan chính phủ đã được thông báo rằng sắc lệnh sẽ được công bố vào ngày thứ Hai.

Các nhân viên truyền thông của cả Nhà trắng và Bộ An ninh nội địa đã họp hôm Chủ nhật để tổng hợp thông tin, các điểm chính và những câu hỏi thường gặp của các phóng viên, đại diện các tổ chức, Bloomberg dẫn lời một quan chức Nhà trắng giấu tên do thảo luận về vấn đề nội bộ. Sắc lệnh đầu tiên được ban hành ngày 27/1 của ông Trump không kèm theo bất cứ tài liệu nào khác. Các quan chức đã quyết định rằng ông Kelly, Sessions, và Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ công bố sắc lệnh đầu tiên với các quan chức trong bộ để chỉ rõ những chi tiết của sắc lệnh mới và những thay đổi so với bản gốc.

Ông Kelly, người quản lý bộ chịu trách nhiệm quản lý cấp thứ hai, đã dành cả ngày Chủ nhật và thứ Hai để gọi các bên liên quan và lãnh đạo Quốc hội để giải thích điều gì sẽ xảy ra.

Trong khi đó, Nhà trắng có thái độ kiềm chế. Ông Trump đã kí sắc lệnh cấm nhập cư mới mà không có các phóng viên vây quanh. Thư ký báo chí Nhà trắng Spicer đã yêu cầu không ghi hình trong buổi họp báo hàng ngày của mình. Điều này đồng nghĩa với việc hình ảnh ông Spicer bảo vệ sắc lệnh - hay cố gắng giải thích lời buộc tội gây chấn động và vô căn cứ của Tổng thống Trump hôm thứ Bảy dành cho người tiền nhiệm Barack Obama về việc nghe lén - sẽ không chèn lên trước các thành viên Nội các trên các kênh tin tức.

Chiến dịch công bố sau nhiều tuần làm việc của các nhân viên Bộ Tư pháp, các chuyên gia về thị thực Bộ Ngoại giao cũng được tham vấn kỹ lưỡng để ngôn ngữ sử dụng trong đó để tránh vấn đề pháp lý. Theo quan chức Nhà trắng, quá trình này đòi hỏi sự đầu tư từ cả phía tổng thống và những người đứng đầu Nội các.

Kết quả là một đợt công bố sắc lệnh mới tương phản rõ rệt với sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên - được công bố một cách vội vàng và vô tổ chức.

Ông Trump đã ký sắc lệnh cấm nhập cư đầu tiên trong một chuyến thăm cuối chiều thứ Sau tới Lầu Năm Góc để dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Các phóng viên nhận được thông báo từ Spicer rằng tổng thống sẽ ký sắc lệnh chỉ vài phút trước khi ông Trump và ông Mattis bước lên sân khấu.

Sự hỗn loạn và những cuộc biểu tình

Những gì ông Trump đã ký không được công bố rõ ràng ngay. Toàn văn sắc lệnh đầu tiên không được công khai cho đến hai giờ sau đó. Nhiều giờ sau đó, các nhân viên báo chí tại Nhà trắng không thể nói rõ ràng những nước nào bị ảnh hưởng.

Thêm vào sự hỗn loạn đó, các quan chức Nhà trắng thay đổi liên tục những lời giải thích trong cuối tuần đó về việc sắc lệnh sẽ tác động thế nào tới những người đã có thẻ xanh và những người đã được cấp thị thực. Các trợ lý quốc hội và quản lý đã cung cấp những tài liệu khác nhau về những người đã được tham vấn khi soạn thảo sắc lệnh.

Sự hỗn loạn được khuếch đại bởi những cuộc biểu tình tại các sân bay Mỹ, nơi những người tị nạn và nhập cư bay tới và tin rằng họ được nhập cảnh vào Mỹ bị chặn lại, bắt giữ, còng tay khi hạ cánh. Lệnh cấm cuối cùng đã bị ngăn chặn bởi tòa án liên bang, yêu cầu ngừng thi hành sắc lệnh.

Phán quyết sai lầm

Nhà trắng vẫn giữ quan điểm cho rằng tòa án đã phán quyết sai lầm và lập luận rằng tổng thống sẽ thắng nếu vụ tranh tụng thực sự xảy ra. Ông Trump có thể sẽ không bao giờ biết được kết quả thực sự, vì sắc lệnh cũ sẽ bị bãi bỏ khi sắc lệnh mới có hiệu lực từ ngày 16/3. Ông Spicer hôm qua thừa nhận rằng phán quyết của tòa án đã giúp các quan chức có thêm thời gian để soạn thảo sắc lệnh tránh những vấn đề quan ngại về pháp lý.

Sự chú ý được tập trung vào tuyên bố của ông Spicer rằng hiểu rõ những lo ngại của tòa án nhưng không nghĩ rằng cần phải trả lời những điều đó.

Và trong khi từ chối thừa nhận công khai về sự vụng về của Nhà trắng trong sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên, ông Spicer cho biết sắc lệnh thứ hai đã được các quan chức hàng đầu của ông Trump như Tillerson và Sessions xác nhận và thực hiện tại các cơ quan của họ.

"Sẽ không có bất ngờ, dù là trên các phương tiện truyền thông hay ở Capital Hill", ông Kelly phát biểu trong tuyên bố của các bộ trưởng ngày hôm qua.

PT