Trong thế giới bạc tỉ của quảng cáo Tết
Quảng cáo Tết tại một nhà chờ xe buýt (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: BÔNG MAI |
Thi nhau vung tiền tỉ
Năm nay giới "nhà giàu" chi mạnh tiền mời dàn KOL (người có ảnh hưởng) tham gia quảng cáo. Tiêu biểu MV quảng cáo Tết "Hết mana" của Viettel Pay xuất hiện hàng loạt KOL nổi tiếng trong giới trẻ như danh hài Trường Giang, hoa hậu Tiểu Vy, ca sĩ Phạm Quỳnh Anh, ca sĩ Hòa Minzy, Justa Tee, Big Daddy. Trong vài ngày quảng cáo này đã có trên 5 triệu lượt xem.
Tiki cũng không tiếc tiền khi mời Trường Giang, Nhã Phương, Xuân Nghị, Ngân Quỳnh đóng trong "Làm dâu là hết Tết?". Video này nhận được hơn 12 triệu lượt xem trên kênh Youtube Trường Giang. Nội dung mấu chốt "Đặt hàng trên app Tiki với nhiều khuyến mãi", "Giao hàng xuyên Tết", "nhận hàng chưa tới 2 tiếng đồng hồ" thể hiện tự nhiên.
Câu nói của người mẹ "Nhà của mình dòng họ bà con khắp 6 tỉnh thành tư Bắc chí Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Cần Thơ", 6 tỉnh thành này là nơi có kho hàng của đơn vị này.
Mùa Tết 2019 này, Bích Phương được Mirinda, Comfort và Samsung ưu ái "chọn mặt gửi vàng". Quảng cáo cho ba nhãn hàng nhưng sức hút thuộc về màn khởi động đầy ấn tượng qua ca khúc "Chuyện cũ bỏ qua" cho nhãn hàng nước giải khát Mirinda. Hiện tại quảng cáo này sở hữu thành tích đáng nể với hơn 42 triệu lượt xem trên kênh Youtube Bích Phương.
"Cát-sê nghệ sĩ là điều nhạy cảm trong giới quảng cáo nên ít được chia sẻ", anh Trương Sinh Nguyên - một người trong ngành quảng cáo, nhìn nhận.
"Giá tùy thời điểm, tùy mối quan hệ, thời gian quay…", chị Hạnh Vinh - người có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và xây dựng thương hiệu, chia sẻ.
Tuy nhiên, có thông tin cho biết cát-sê của các nghệ sĩ tên tuổi như Trường Giang, Nhã Phương, Bích Phương, Hà Anh Tuấn, Tiểu Vy… không dưới 500 triệu cho hợp đồng đóng quảng cáo Tết. Chưa kể nhãn hàng phải trả phí sử dụng hình ảnh người nổi tiếng sau video quảng cáo.
Ngoài cát-sê cho nghệ sĩ, các doanh nghiệp còn mất tiền kịch bản, thuê thiết bị và đội ngũ sản xuất video… Để tạo thành một video thô chưa đem đi truyền thông giá trung bình từ 1,5-3 tỉ đồng, cao hơn thì từ 5-10 tỉ đồng.
Khi có sản phẩm thô, nhãn hàng phải bỏ tiền để đẩy lấy views trên các phương tiện truyền thông và số tiền này thường cao hơn 2-3 lần tiền sản xuất video.
Đo lường của Google, "quảng cáo tết" trở thành xu hướng tìm kiếm tăng đột phá những ngày gần đây - Ảnh chụp màn hình. |
Việt Nam nằm TOP 10 thế giới về số lượng người dùng mạng xã hội Facebook. Việt Nam còn có hơn 30 triệu người dùng Youtube.
Dễ hiểu vì sao Tết năm nay hàng loạt sản phẩm quảng cáo dưới dạng thức video, MV ca nhạc, TVC, phim ngắn… được đầu tư trên hai kênh này.
Để lan toả, các nhãn hàng phải kết nối với những trang Facebook có lượng người theo dõi cao. Giá thường dao động từ 3 - 12 triệu đồng cho một tin được đăng, tùy trang, tùy số lượng người yêu thích.
Đối với trang Facebook cá nhân của người nổi tiếng thì giá thương lượng, nhưng không rẻ. Có thể thấy trang Facebook cầu thủ Đặng Văn Lâm (hơn 786 ngàn người theo dõi), bà mẹ trẻ Thanh Trần (hơn 1,6 triệu người theo dõi)… cũng đăng quảng cáo Tết.
Vị trí đẩy video lên đầu trang Youtube phải được "săn" từ trước, giá trên dưới 300.000 USD/ ngày.
Thống kê mới nhất từ trang Socialbakers, trong lĩnh vực E-shop (mua sắm trên nền tảng internet), các trang Facebook của Lazada, Tiki và Sendo có lượng số fans cao nhất.
Cụ thể, Lazada xếp thứ nhất với tổng 3.241.336 tài khoản yêu thích, Tiki xếp thứ hai với 2.750.956, Sendo giữ vị trí thứ ba với số lượng 2.686.328.
Với sự phát triển lớn mạnh, song song với các "lão làng" Coca Cola, Pepsi, Nestle, năm nay Tiki, Shopee, Sendo không dừng quảng cáo trên mạng mà còn nhiệt tình tham gia hệ sinh thái quảng cáo ngoài như quảng cáo trên xe buýt, nhà chờ xe buýt, xe taxi, bảng hiệu…
Phía công ty Grab, ngoài việc tung phim ngắn, video lan tỏa, còn trở thành "người may áo" ngày giáp Tết khi tô điểm những cây cầu đi bộ trong TP.HCM với hình ảnh thân thuộc, không bỏ qua màu xanh lá chủ đạo và hình ảnh tài xế grab tươi cười.
Ngoài các "ông lớn" quen mặt quảng cáo Tết, năm 2019 cũng xuất hiện các quảng cáo của người mới trong nhiều lĩnh vực như The Coffee House, Tập đoàn sơn Kova, Công ty CP Thời trang An Phúc - May’s house Desinger…
Không phải tiền, nội dung mới "chốt" thành công
Quảng cáo Tết tràn ngập từ ngoài đường lên đến online - Ảnh: BÔNG MAI |
Gần 10 năm làm việc trong ngành quảng cáo, anh Bùi Quang Tinh Tú (giám đốc điều hành của Marry Network/ Ringier Vietnam, người sáng lập UAN - Cộng đồng Marketing và Truyền thông với hơn 19.000 thành viên) nhận định chi phí đổ vào quảng cáo càng ngày càng nhiều. Đồng thời, nhiều định dạng, hình thức, nội dung quảng cáo không còn rập khuôn, xa rời thực tế.
Không thể nói video quảng cáo mắc tiền tốt hơn video rẻ, mà quan trọng nhất chính là cái suy nghĩ, sáng tạo vận dụng trong nội dung kịch bản, phục vụ mục đích. Chi phí chưa bao giờ là yếu tố quyết định thành công của chiến dịch quảng cáo, càng không quyết định người tiếp nhận sẽ cảm thấy như thế nào. Bùi Quang Tinh Tú (CEO Marry Network/ Ringier Vietnam) |
Quảng cáo Tết 2019 đã chứng minh sức sáng tạo, tinh tế và áp dụng "tính thời sự" vào sản phẩm như MacCoffee - Café Kết hợp tác BB Trần làm video hài chưa tới 3 phút với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, đề cập nội dung "hot" ế kinh niên. Giải bệnh độc thân băng cách uống Café Kết dẫn lối người thường.
LG OLED TV thì duyên dáng, ấn tượng khi đưa nghệ thuật tuồng, cải lương vào quảng cáo. Để bật lên tính tương tác người dùng của dòng tivi này, nhiều câu hỏi khó ngày Tết được đề cập như "Năm nay thưởng Tết được bao nhiêu?", "Năm nay có được học sinh giỏi không?", "Đến bao giờ lấy chồng", "Bao giờ có con?".
Ngoài tất bật chi tiền quảng cáo, truyền thông, doanh nghiệp còn thuê các công ty đo lường thành quả từ quảng cáo Tết.
Dù nhiều tiền của sức lực, nhưng các nhãn hàng vẫn dồn tâm dốc sức đầu tư quảng cáo Tết trước và trong Tết để không chỉ thu về số lượng người xem, số doanh thu từ sản phẩm bán được mà còn để xây dựng, cạnh tranh lành mạnh và khẳng định hình ảnh thương hiệu.