|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trong khi nhà nhà nghĩ lớn thì thế giới thuộc về những người nghĩ nhỏ

10:00 | 21/01/2018
Chia sẻ
Nghĩ nhỏ giúp chúng ta phát hiện những vấn đề, những nhu cầu thiết thực, cảm nhận sâu sắc về chúng và giá trị của việc giải quyết chúng.

Ta thường nghe “muốn thành công thì phải biết nghĩ lớn”, “ước mơ phải đủ lớn thì mới tạo được động lực”. Nghe nhiều đến mức mà bây giờ người người nghĩ lớn, nhà nhà nghĩ lớn. Thậm chí nhiều người đã lỡ thành công rồi mà chưa từng nghĩ lớn, giờ phải cố học để phát biểu cứ như mình đã từng nghĩ lớn vậy đó. Chỉ vì sợ mình khác mọi người.

Với tư cách một người đã từng có dịp tiếp xúc với và nghiên cứu nhiều về những người thực sự thành công và cả rất nhiều người “mãi mà chưa thành công", tôi xin chia sẻ quan sát của mình rằng thế giới thuộc về những người nghĩ nhỏ.

Nghĩ nhỏ giúp ta phát hiện đúng vấn đề

Chắc hẳn các bạn ai cũng có cho riêng mình một vài thần tượng, hoặc ít nhất một người mà các bạn xem là thành công và mong muốn sẽ một ngày thành công được như người ấy. Có bao giờ các bạn nghĩ xem thành công của những người đó thực sự bắt đầu từ đâu không?

Ông Issac Newton ngày xưa cứ mãi lẩm bẩm về một chân lý ai cũng biết “tại sao táo rơi xuống đất” như một thằng khùng. Nếu ông ấy không thấy việc ấy là đáng quan tâm, là cần giải quyết thì chắc ông ấy đã không dành nhiều thời gian và tâm trí đến vậy cho nó. Và có lẽ lịch sử tiến hoá của khoa học đã dừng lại ở đấy, hoặc chậm lại vài trăm năm.

Cô nhân viên văn phòng vô tình để lẫn xoài và muối tôm Tây Ninh chắc hẳn đã lỡ một cơ hội khai sinh thêm một món ăn mới thú vị “xoài lắc”, và một cơ hội kinh doanh, nếu như cô ấy chỉ mãi lo nghĩ lớn ở đâu đấy mà không quan tâm đến việc nhỏ bên cạnh mình.

Nghĩ nhỏ giúp chúng ta phát hiện được những vấn đề, những nhu cầu thiết thực ở bên cạnh mình, cảm nhận sâu sắc về chúng và giá trị của việc giải quyết được chúng. Nhờ vậy sẽ muốn giải quyết chúng hơn, biết cách giải quyết chúng hơn và có đủ thấu hiểu để thuyết phục những người khác cùng giải quyết chúng.

Nếu Travis Kalanick xem việc không gọi được taxi trong một đêm bão tuyết mù mịt là một việc bình thường hay đương nhiên thì chắc đã không đủ bức xúc để khai sinh ra đế chế Uber đang tạo sức ép khủng khiếp để thay đổi ngành công nghiệp taxi như hiện tại.

Nếu 3 chàng sinh viên nghèo không trăn trở về việc làm sao để kiếm được tiền từ diện tích phòng dư, trong khi những người khác không thuê được phòng thì đã không có một AirBnB ngày nay đang từng bước huỷ diệt ngành kinh doanh khách sạn trên thế giới (ít nhất là cho phân khúc trung bình).

Nếu bà nội trợ từ ngàn năm trước ấy không bức xúc về việc bị bó chân với những đứa con nhỏ và thật lòng muốn giải quyết vấn nạn ấy thì những nhà trẻ đầu tiên trên thế giới đã không ra đời. Mà nếu vậy thì một nửa nhân loại đã không được giải phóng và có cơ hội bình đẳng với nam giới trong hầu hết mọi việc.

Vấn đề mà bạn phát hiện càng quen thuộc với bạn thì bạn sẽ càng am hiểu, thị trường sẽ có quy mô càng lớn và nhờ vậy, bạn sẽ có xác suất thành công càng cao.

Làm sao để mua được đồ ăn, thức uống thực sự sạch? Làm sao để đưa đón con đi học an toàn mà không ảnh hưởng đến công việc của mình? Làm sao để ăn chỉ vừa đủ? Làm sao để tránh được kẹt xe? Làm sao để không bị bắn tốc độ? Làm sao để chọn được một cuốn sách thực sự đáng đọc? Làm sao để không bị spam mỗi ngày bởi những tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo?

Khi ta phát hiện được Đúng vấn đề, đó sẽ là cơ hội cực kỳ lớn để khởi nghiệp, để nghiên cứu hay để thay đổi. Phải nói rằng phát hiện đúng vấn đề đã có được một nửa của thành công.

Dĩ nhiên, từ “nhận biết” vấn đề, đến “xác định” rõ được chúng là một quá trình dài vừa đòi hỏi tư duy phản biện, vừa đòi hỏi tư duy sáng tạo. Bạn và các đối tác sẽ cần phải việc khá nhiều và nghiêm túc để có được những kết quả xác tín. Khi nào có thời gian, tôi sẽ chia sẻ thêm một số phương pháp và nguyên tắc hỗ trợ.

Nghĩ Nhỏ giúp ta xây dựng được giải pháp Bền vững

Bước tiếp theo của quá trình đi đến thành công là xây dựng được một giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề. Giải pháp, hoặc cái tưởng là giải pháp, thì thường sẽ có rất nhiều. Nhưng giải pháp bền vững thì không có nhiều đến thế.

Mỗi giải pháp sẽ dựa trên một số giả định nào đó về năng lực, về xu hướng, về công nghệ, về những thay đổi trong tương lai, về những ràng buộc tất yếu và cả về mức độ đóng góp của các đối tác.

Một trong những “kẻ xấu” thường ngăn cản việc tìm được những giải pháp bền vững là cái tôi xấu xí của người xây dựng giải pháp. Một cách tự nhiên, họ thường muốn mình là trung tâm của giải pháp: các vấn đề chuyên môn phải quen thuộc với mình nhất, vai trò của mình phải quan trọng nhất, phần của mình (hoặc của nhóm-lợi-ích-quanh-mình) phải thơm nhất... Cái tôi” xấu xí” ấy kéo giải pháp xoay quanh cái "tầm thường hiện tại” của người giải quyết vấn đề.

Khi chúng ta nghĩ Nhỏ, chúng ta sẽ bớt mong cầu vào việc sẽ nhận được gì và thêm tập trung vào mục đích tối thượng, và nhờ vậy sẽ thuận lợi hơn trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp bền vững.

Nghĩ nhỏ giúp ta Hợp tác tốt hơn với đối tác Phù hợp

Thành công của một công cuộc kinh doanh, một dự án, một doanh nghiệp bị giới hạn bởi tầm vóc của những người lãnh đạo. Năng lực và tầm vóc của ta đến đâu thì thành công sẽ chỉ may mắn đến đấy mà thôi.

Muốn có được những thành công lớn hơn, ta buộc phải có được những tư duy, năng lực và tầm vóc lớn lao hơn. Đó là lúc ta sẽ cần đến đối tác.

Mà cũng không chỉ là tuỳ chọn có thì tốt, không có cũng chẳng sao (nice-to-have), ngày nay, khi thời gian là cực kỳ quan trọng để thành công (time-to-market), thiếu những đối tác phù hợp sẽ loại bạn ra cuộc chơi, cho dù bạn nỗ lực hay cố gắng vùng vẫy đến mức nào.

Có ai còn nhớ nhà cung cấp Internet đầu tiên ở Việt Nam là ai không nhỉ? Rồi trường dạy tiếng Anh đầu tiên? Tờ báo đầu tiên cho những người học tiếng Anh? Chương trình nhạc quốc tế đầu tiên trên truyền hình? Công ty đầu tiên lắp ráp xe ô tô? Chuỗi cafe đầu tiên? Doanh nghiệp đầu tiên làm ERP?

Họ dừng lại ở đâu trên con đường của mình? Tại sao những “kẻ sao chép” lại thành công hơn rất nhiều?

Muốn tìm kiếm được những đối tác Phù hợp, ta buộc phải có những nhận thức đúng đắn về họ. Họ phải: (a) chia sẻ chung tầm nhìn và hệ giá trị, hoặc một cách tự nhiên rất gần với ta (b) có những năng lực cần thiết cho thành công chung (c) cần một số năng lực của ta cho thành công chung đó

Để tìm được những đối tác đúng tầm như vậy, ta cần phải làm “bài tập về nhà” rất nhiều để tìm kiếm, phân tích, xác định và phân định cái tôi trước khi thuyết phục họ.

Cần thực sự thấy rằng một phần của chiếc bánh to vẫn lớn hơn rất nhiều so với toàn bộ cái bánh nhỏ.

Cần thực sự thấy được giá trị mà họ sẽ mang đến cho thành công chung, ghi nhận và biết ơn những đóng góp đó.

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp mà những cơ hội đầu tư và phát triển trôi tuột trước mắt những người chủ chỉ vì cái tâm lý cố hữu “đầu gà hơn đít trâu”. Đáng tiếc cả cho họ lẫn cho cộng đồng.

Muốn vượt qua được giây phút ấy, ta cần tập nghĩ nhỏ.

Có lẽ đã không có một Microsoft như thế nếu không có sự tham gia của Steve Balmer.

Có lẽ đã không có một Apple như thế nếu không có sự tham gia của Tim Cook và Jonathan Ive.

Sự ngạo mạn không những không làm cho ta lớn hơn, mà còn hủy hoại bao tiền đồ trước mắt.

Nghĩ nhỏ giúp ta tập trung và cố gắng mỗi ngày

Biết rằng ta chưa đủ tốt, và rằng ta cần phải tốt hơn, sẽ giúp ta tập trung năng lực để hoàn thiện chính mình.

Mỗi ngày ta làm tốt hơn ngày trước đó 1% sẽ tạo ra một ta tuyệt vời hơn rất nhiều chỉ sau 1 năm.

Còn nếu ta mỗi ngày chặc lưỡi dễ dãi với chính mình hoặc cho phép mình thư thả một tý thì ta sẽ tự hủy hoại mình sau thời gian tương tự.

trong khi nha nha nghi lon thi the gioi thuoc ve nhung nguoi nghi nho
Người nghĩ nhỏ luôn có khả năng tập trung nỗ lực để không ngừng cố gắng, cống hiến, tích lũy và chấp nhận buông bỏ.

Cuộc sống là một chuỗi nỗ lực không ngừng: không ngừng tập trung, không ngừng cố gắng, không ngừng cống hiến, không ngừng tích lũy và không ngừng buông bỏ.

Khổ nỗi, không phải ai cũng làm được những điều đó: chỉ có những người nghĩ là mình nhỏ mới đủ chấp nhận, đủ kỷ luật để làm được điều đó.

Rất dễ để hài lòng với chính mình hay tổ chức của mình. Không phải ta kháu khỉnh nhất nhà đấy sao? Không phải ta tính nhẩm giỏi nhất xóm sao? Không phải ta học môn này môn kia giỏi nhất lớp sao? Không phải ta luôn giỏi hơn nhân viên của mình sao? Không phải công ty ta vẫn đang ổn đấy sao?...

Giây phút nào đó mà ta quá hài lòng với chính mình thì giây phút đó ta bắt đầu hủy hoại mình và tổ chức của mình. Ta bắt đầu trượt trên chuỗi dài tha hoá mỗi ngày.

Muốn thoát được điều đó, hãy thử nghĩ Nhỏ!

Và thực hiện những hành động nhỏ nhất mỗi ngày. Những hành động tuy bé nhưng sẽ tạo ra thành công lớn lao sau này.

Sao lại không thử thuyết phục khách hàng thêm lần nữa nhỉ? Sao lại không cố làm nhanh hơn một tí nữa nhỉ? Có nên kiểm tra chất lượng sản phẩm thêm một lần nữa trước khi xuất hàng? Có thể tăng chỉ tiêu cho chính mình thêm 1% nữa không?

Có thể nói chuyện với nhân viên bán hàng thêm một câu nữa không? Có nên hỏi han con thêm 5 phút nữa? Có nên lắng nghe thêm lần nữa trước khi nổi nóng…

*Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam, CEO Đông A Solutions

Trần Bằng Việt