Trong 9 tháng, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng 'sau cánh cửa hẹp'
TP Hà Nội vừa đi qua những ngày tháng khó khăn nhất của năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2021-2025.
Nhìn lại bức tranh tổng thể, có thể thấy cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể, mặt trận đều căng sức, gồng mình. Các doanh nghiệp lao đao, đình trệ, gượng sức để hoạt động trong môi trường “3 tại chỗ” như là một cánh cửa hẹp, buộc phải luồn mình để cứu lấy sinh mệnh công ty và việc làm cho người lao động.
Trước bối cảnh trên, nhiều lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; du lịch; vận tải hành khách và xe buýt; vật liệu xây dựng; dịch vụ…
Ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh từng thời điểm; xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản cụ thể, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Nhờ đó, dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang từng bước duy trì trở lại.
Bên cạnh sự nỗ lực để kiểm soát bước đầu được dịch bệnh, thành phố vẫn sản xuất, phát triển kinh tế để không những không bị sụt giảm mà những tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng trưởng, khẳng định là một trong những địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020; riêng quý III thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội nên giảm 7,02%.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, tăng trưởng GRDP 9 tháng năm nay đạt mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do quý III giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm, thành phố đạt được kết quả trên là rất quan trọng khi các cấp chính quyền dồn nhiều tâm sức cho phòng chống, dập dịch và duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong ba quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn được quan tâm, quy mô đàn lợn tăng 11,4% so với cùng kỳ; chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản phát triển, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng tăng 7%; sản lượng thủy sản tăng 2,9%.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa giống cây trồng năng suất, chất lượng đã góp phần tăng năng suất cây ăn quả 9 tháng đầu năm nay như: sản lượng chuối tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; ổi tăng 5,5%; đu đủ tăng 6%...
Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,4 điểm % vào mức tăng GRDP; trong đó ngành công nghiệp tăng 4,32%, đóng góp 0,59 điểm %; ngành xây dựng giảm 2,37% làm giảm 0,19 điểm % mức tăng chung GRDP.
Khu vực dịch vụ 9 tháng ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,55 điểm % vào mức tăng GRDP, thấp hơn mức tăng 2,73% của cùng kỳ năm 2020 do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng năm nay như: dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,91% so với cùng kỳ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 24,82%; kinh doanh bất động sản giảm 8,96%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 7,02%; bán buôn, bán lẻ giảm 1,56%; vận tải, kho bãi giảm 1,57%; dịch vụ khác giảm 19,58%.
Một số ngành vẫn duy trì tăng trưởng như: tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%.
Riêng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng đầu năm nay tăng 28,13% do Trung ương và thành phố đẩy mạnh khám, chữa bệnh, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ quan, trường học, cộng đồng và tập trung nguồn lực mua vắc xin COVID-19.
Lĩnh vực thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 176.700 tỷ đồng, đạt 75% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao) và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Nếu tính cả số thu được gia hạn trong 9 tháng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4 của Chính phủ thì tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 189.500 tỷ đồng, đạt 80,5% dự toán Trung ương giao và 75,4% dự toán thành phố giao, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Trong số đó, thu nội địa 159.900 tỷ đồng, đạt 74,1% dự toán Trung ương giao (đạt 69,1% dự toán Thành phố giao) và tăng 5% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 15.900 tỷ đồng, đạt 85,7% dự toán và tăng 17,8%; thu từ dầu thô 910 tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán và giảm 51,5%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu 9 tháng là thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 37.600 tỷ đồng, đạt 75,7% dự toán và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 16.900 tỷ đồng, đạt 82,5% và tăng 19,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 36.100 tỷ đồng, đạt 72,2% và tăng 18,2%.
Thuế thu nhập cá nhân 23.900 tỷ đồng, đạt 96,8% và tăng 16,3%; thu tiền sử dụng đất 10.400 tỷ đồng, đạt 52,2% và giảm 31,9%; thu lệ phí trước bạ 4.900 tỷ đồng, đạt 67,9% và tăng 3,8%; thu phí và lệ phí 11.400 tỷ đồng, đạt 67% và bằng cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chi ngân sách địa phương 9 tháng ước thực hiện 44.300 tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán và bằng 91,3% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi đầu tư phát triển 14.800 tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán và bằng 75%; chi thường xuyên 29.500 tỷ đồng, đạt 62,3% và tăng 2,9%.
Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương đề ra các giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh dần mở cửa trở lại, nhưng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, các biện pháp, kịch bản phải phù hợp với tình hình đặc thù từng địa phương, địa bàn, lĩnh vực đồng thời chú trọng thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và người lao động.
Mỗi địa phương và người đứng đầu đơn vị cần đề cao trách nhiệm lãnh đạo tập thể, cá nhân và chịu trách nhiệm nếu lơ là, chủ quan làm dịch lây lan trong cộng đồng.