|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trộm hình, cài phần mềm gián điệp để lừa đảo

08:20 | 19/09/2019
Chia sẻ
Những hình thức lừa đảo qua các trang mạng xã hội ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Các ngân hàng liên tục có những cảnh báo khách hàng thận trọng và cảnh giác trước các hình thức lừa đảo này.
avatar_1568853442552

Lừa đảo qua mạng xã hội gia tăng. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đủ chiêu lừa đảo

Bà U.P (TP.Bình Dương, tỉnh Bình Dương) mới đây phải thông báo cho tất cả bạn bè “ai đó đang dùng hình ảnh để lừa đảo… U.P không dùng Zalo và cũng không mượn tiền…”. Chuyện là có kẻ lừa đảo đã dùng hình ảnh bà U.P đăng ký tài khoản Zalo và hỏi mượn tiền bạn bè bà này. 

Cụ thể, người giả danh bà U.P nhờ chuyển tiền 30 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng. Để tạo lòng tin đối với người nhận tin nhắn, người này viết: “Chị không tiện nghe điện thoại, đang có khách”, “Chị nhờ em làm được không? Nếu không được thì nói chị nhờ chị B. (tức em của U.P)”… Điều này cho thấy, kẻ lừa đảo nghiên cứu khá kỹ thông tin cá nhân của bà U.P và sử dụng nhằm lừa đảo nhưng không ngờ rằng bị phát hiện.

Thực tế gần đây nhiều người gặp tình trạng bị trộm hình, giả mạo tài khoản Zalo mượn tiền người quen. Việc gắn hình ảnh chủ nhân dễ tạo lòng tin nên rủi ro mất tiền cao hơn.

Một chiêu thức lừa đảo qua Facebook rộ lên thời gian gần đây là gửi tin nhắn nhờ tham gia bình chọn giọng hát nhí. Chị X.P nhận được tin nhắn từ một người em tên S.N ở quê nhờ đăng nhập vào một đường dẫn để bình chọn cho cháu gái tham gia cuộc thi “Giọng hát nhí 2019”.

Để bình chọn, chị X.P phải nhấp vào một đường dẫn, đăng nhập các thông tin như tài khoản Facebook, mật khẩu. Nghi ngờ, chị X.P điện lại cho người em thì được biết tài khoản Facebook của người này đã bị người khác chiếm cũng bằng hình thức tương tự. S.N được một người bạn nhờ bình chọn cho cháu và bị bọn lừa đảo chiếm mất tài khoản Facebook.

Sau đó bọn lừa đảo đã dùng Facebook giả mạo S.N đi mượn tiền bạn bè, trong đó có cả đồng nghiệp của S.N với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Rất may S.N phát hiện và cảnh báo mọi người không chuyển tiền.

Trước đó, nhiều trường hợp đã sập bẫy với những thủ đoạn lừa đảo như trên, có người mất cả 100 triệu đồng. Chị M.T.N (Q.10, TP.HCM) nhận được thông báo có quà, tiền nước ngoài chuyển về và đề nghị chị đóng thuế 100 triệu đồng để làm các thủ tục nhận.

“Gia cảnh” phù hợp nên chị N. đóng tiền, thế là sập bẫy. Bên cạnh đó, bọn lừa đảo còn giả mạo công ty tài chính, thông báo khách hàng trúng điện thoại trị giá 18 triệu đồng và thẻ khách hàng VIP trị giá 7 triệu đồng mua điện máy, siêu thị… 

Để nhận được phần thưởng này, phải chuyển 10% thuế giá trị gia tăng, tương ứng hơn 1,8 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, nhiều người mới té ngửa đã bị lừa đảo, các công ty không hề có chương trình khuyến mãi nào.

Cài phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin

Một trong những lưu ý mà các ngân hàng thời gian qua cảnh báo khách hàng là chiêu thức lừa khách hàng cài đặt các phần mềm, ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng.

Chị L.H.X (Hà Nội) cách đây vài tháng nhận được điện thoại của những kẻ giả mạo cơ quan công an điều tra một số đối tượng xấu lấy cắp thông tin cá nhân rồi mạo danh chị đăng ký tài khoản ngân hàng rửa tiền. Những đối tượng này yêu cầu chị hợp tác cung cấp số tài khoản ngân hàng và chuyển tiền hết vào tài khoản có sử dụng internet banking.

Sau đó chúng yêu cầu chị X. mua một điện thoại hệ điều hành Android để hội đồng thanh tra sẽ thông qua máy tính, sim cấp hệ thống bảo vệ cài đặt phần mềm điện thoại của Bộ Công an. 

Chị X. đã thực hiện theo hướng dẫn điền các thông tin vào “phần mềm của Bộ Công an”. Sau đó, các đối tượng này liên tục hối thúc chị X. chuyển tiền. Nghi ngờ, chị X. kiểm tra lại tài khoản thì phát hiện đã mất 100 triệu đồng. Chị vội vàng thông báo với ngân hàng đóng tài khoản và trình báo công an.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Công ty Bkav, cho hay trong trường hợp này, phần mềm mà đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân cài đặt là phần mềm gián điệp, cho phép theo dõi điện thoại đó.

Khi nạn nhân cài các phần mềm gián điệp vào điện thoại và đăng nhập tài khoản ngân hàng, lúc này các thông tin tài khoản ngân hàng sẽ được chuyển đến bọn lừa đảo. Tiếp theo, đối tượng lừa đảo trộm tiền trong tài khoản bằng lệnh chuyển tiền, mật khẩu OTP mà ngân hàng chuyển về điện thoại của khách hàng bị phần mềm gián điệp chuyển cho bọn lừa đảo. 

Ông Ngô Tuấn Anh khuyến cáo người dân không cài những phần mềm không rõ nguồn gốc, bởi đó có thể là phần mềm gián điệp ghi lại những thông tin tài khoản, tin nhắn gửi về điện thoại, tạo ra những giao dịch giả lừa người dùng.

Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) cho biết, gần đây liên tục xảy ra các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của cá nhân tại ngân hàng với nhiều chiêu thức khác nhau.

Các hình thức lừa đảo khá tinh vi và đối tượng lừa đảo thường chủ động liên hệ với khách hàng qua điện thoại, mạng xã hội, email nhằm lừa khách hàng tự chuyển tiền bằng hình thức giả danh bạn bè, người thân nhờ chuyển tiền hộ; hoặc cơ quan điều tra yêu cầu chuyển tiền phục vụ điều tra...


Thanh Xuân