|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trình Quốc hội Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tại kỳ họp tháng 5

20:52 | 05/03/2024
Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc từ sớm, lấy ý kiến rộng rãi, trình Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại kỳ họp tháng 5.

Chiều 5/3, Đảng đoàn Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Báo cáo nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Đây là dự án Luật quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với xây dựng, phát triển Thủ đô mà còn đối với cả nước. Đây cũng là dự án Luật khó, mang tính đặc thù, đa ngành, có nhiều nội dung khác với một số luật hiện hành.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đóng vai trò chủ trì tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phối với các cơ quan của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để phục vụ cho phiên họp tháng 3/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 tới và có định hướng để làm sâu sắc các nội dung sẽ thảo luận, trình Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để rà soát các nội dung báo cáo, các nội dung lớn, quan trọng và công việc cần triển khai từ nay đến kỳ họp Quốc hội bảo đảm cho dự án Luật là tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch, các nội dung này thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng phải trình Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng bộ thành phố Hà Nội, người dân Thủ đô và cả nước đều mong muốn dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được xem xét, cho ý kiến, quyết định tại cùng một kỳ họp để tạo khung khổ pháp lý và thể chế quan trọng, đồng bộ cho Thủ đô phát triển.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc từ sớm, lấy ý kiến rộng rãi. Đồng thời, Đảng Đoàn Quốc hội tổ chức cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, có sự tham dự của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nhằm lắng nghe, cho ý kiến về các vấn đề lớn, trọng tâm nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua và chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe trình bày báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật về một số nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Thủ đô sửa đổi; báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế về nội dung chủ yếu của Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045; đồng thời thảo luận về các nội dung lớn và các vấn đề xin ý kiến.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.