'Triệu chứng ở người nhiễm biến chủng Omicron rất khác thường nhưng nhẹ'
Tiến sỹ, bác sỹ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, người đầu tiên cảnh báo cho giới chức y tế Nam Phi về biến chủng mới cho biết với Telegraph, các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng bất thường nhưng đều ở thể nhẹ.
Bà cho hay lần đầu tiên được cảnh báo về nguy cơ xuất hiện biến chủng mới khi một số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tư của bà ở thủ đô Pretoria. Họ mắc COVID-19 nhưng không có các triệu chứng rõ ràng ngay lập tức.
Các F0 này đều trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) thuộc nhóm sắc tộc khác nhau, vào viện khám với tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Một bệnh nhi là em bé 6 tuổi có nhịp tim cao bất thường. Không có bệnh nhân nào bị mất vị giác hoặc khứu giác.
"Các triệu chứng của họ rất khác và rất nhẹ so với những người tôi đã điều trị trước đây," bà Coetzee - người có kinh nghiệm 33 năm trong ngành y cho biết.
Trước đó hôm 18/11, khi 4 người trong một gia đình đều có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và rơi vào tình trang mệt mỏi, bác sỹ Coetzee đã báo cáo các ca bệnh này với Ủy ban Tư vấn vắc xin Nam Phi.
Bác sỹ cho biết, tổng cộng khoảng 20 bệnh nhân mà bà tiếp nhậnđã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 với các triệu chứng của biến thể mới. Hầu hết họ là nam giới, khỏe mạnh, cảm thấy mệt mỏi. Khoảng một nửa trong số này chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Vị chuyên gia lo lắng đó là biến chủng mới có thể tấn công người cao tuổi, mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim. Bà đã gửi cảnh báo này tới Hiệp hội Y tế châu Phi.
“Vấn đề khiến chúng tôi lo lắng bây giờ là khi những người lớn tuổi chưa được tiêm chủng nhiễm iến chủng mới, họ dễ trở nặng và số F0 nguy kịch sẽ tăng cao”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Tại Nam Phi, khoảng 6% dân số là người trên 65 tuổi.
Biến chủng B.1.1.529 đã được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên là Omicron. Nó được xác định lần đầu tiên ở Botswana vào ngày 11/11. Đến nay, Omicron đã được phát hiện ở Nam Phi, Anh, Israel, Hà Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Bỉ, Czech,...
Đây là dạng COVID-19 mang nhiều đột biến nhất được phát hiện cho đến nay, với 32 đột biến ở các protein gai. Protein gai là bộ phận của virus có chức năng kết hợp với tế bào trên cơ thể người để gây bệnh. Các nhà khoa học lo ngại rằng các đột biến có thể giúp virus lẩn tránh kháng thể do vắc xin tạo ra và lây lan nhanh chóng.
Mới nhất, Anh phát hiện hai trường hợp dương tính với biến thể mới, trong khi đó Hà Lan phát hiện 13 ca nhiễm chủng Omicron trên hai chuyến bay trở về từ Nam Phi ngày 26/11.
Các chuyên gia ở Nam Phi cho biết chủng Omicron là nguyên nhân gây bùng dịch ở tỉnh Gauteng. Các trường hợp nhiễm mới đã tăng vọt từ khoảng 550 một ngày vào tuần trước lên gần 4.000 một ngày.
Anh, Mỹ, EU và Israel đều đã tạm ngưng các chuyến bay đến và đi từ Nam Phi và 5 quốc gia xung quanh: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Chính phủ Vương quốc Anh cũng thêm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách đỏ du lịch vào cuối tuần qua.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đến nay qua giám sát dịch tễ của SARS-CoV-2 chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron.