|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Triển vọng ngành cá tra Trung Quốc khởi sắc

11:32 | 23/04/2019
Chia sẻ
Một trong những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc đánh giá ngành cá tra Trung Quốc sẽ lặp lại thành công của nghề nuôi tôm càng, tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường nội địa.
Triển vọng ngành cá tra Trung Quốc khởi sắc - Ảnh 1.

Nguồn: Seafood Guide

Chen Dan, Chủ tịch của Tập đoàn Evergreen tỉnh Quảng Đông cho biết ông rất lạc quan về triển vọng của ngành cá tra trong năm nay và đây sẽ là một sản phẩm thành công giống như tôm càng.

Theo báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương, năm ngoái Trung Quốc đã sản xuất 30.000 tấn cá tra trong khi ông Chen ước tính sản lượng ở mức 25.000 tấn. Con số này so sánh với ước tính sản lượng tôm càng xanh của Trung Quốc trong năm 2017 là 1,12 triệu tấn (số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Việc chuyển đổi nuôi cá tra từ ao sang trang trại diễn ra một cách nhanh chóng được thúc đẩy bởi năng suất và lợi nhuận cao hơn so với cá rô phi, một loại cá thịt trắng được nuôi rộng rãi ở miền nam Trung Quốc, ông Chen cho biết.

Cá rô phi được sản xuất cho thị trường xuất khẩu với mật độ nuôi tương đối thấp, tỉ lệ tử vong cao trong thời tiết nóng và nguy cơ chết do thiếu oxy cao hơn. Việc nuôi cá tra có nhiều lợi thế hơn vì nó được sản xuất chủ yếu cho thị trường trong nước và đem lại sản lượng cao.

Triển vọng ngành cá tra Trung Quốc khởi sắc - Ảnh 2.

Ông Chen phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh phát triển ngành công nghiệp cá tra Trung - Việt được tổ chức tại Vũ Hán vào ngày 28/3. Ảnh: Seafood Guide.

Ông Chen cho biết người nông dân nuôi cá rô phi có thể thu hoạch 1.500 - 2.500 kg/mu mỗi vụ trong khi năng suất cá tra đạt gần 5.000kg/mu (1mu = 666,7 m2).

Ngoài ra, ông lưu ý nông dân có thể kiếm được 5.000 - 10.000 nhân dân tệ/mu (745 - 1.490 USD/mu) từ việc nuôi cá tra so với 1.500 - 3.000 nhân dân tệ/mu đối với cá rô phi. Ông cho biết chi phí sản xuất tương đối giống nhau, khoảng 3,50 nhân dân tệ/kg.

Tại Hội nghị phát triển ngành công nghiệp cá tra Trung - Việt lần thứ II tại Vũ Hán vào ngày 28/3, ông Chen cho biết thị trường cá tra Trung Quốc hiện lớn nhất thế giới.

"Cá tra là loại thủy sản được chế biến thành rất nhiều món ăn Trung Quốc. Nó có lợi thế về giá cả, chất lượng thịt tốt hơn, sản phẩm đặc biệt phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là một sản phẩm hấp dẫn".

Ông ước tính trong thời kỉ đỉnh cao sản xuất, Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 lần sản lượng sản phẩm cá tra chế biến vào năm 2019, từ 30 tấn mỗi ngày lên 90 tấn mỗi ngày.

Ông thừa nhận mức sản xuất này vẫn thua xa Việt Nam. Năm ngoái, giá trị cá tra nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 529 triệu USD.

Năng suất cá tra của Việt Nam trên mỗi mu cao hơn nhiều so với năng suất của các trang trại Trung Quốc. 

"Điều này là do khí hậu Việt Nam, cơ sở hạ tầng được thiết lập tốt và có sẵn cá giống phù hợp với điều kiện môi trường của Việt Nam". Hơn nữa lưu lượng nước của sông Mê Kông chảy nhanh đảm bảo dòng nước tốt trong các ao và trang trại.

Tuy nhiên người dân Trung Quốc được hưởng lợi từ chi phí sản xuất thấp hơn và sự quen thuộc với thị trường.

"Chúng tôi rất lạc quan, người dân nuôi cá rô phi Trung Quốc rất sẵn sàng trong việc chuyển đổi sang nuôi cá tra. Ngoài ra, cá rô phi và cá tra đều có thể được chế biến ở qui mô lớn, điều này giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành."

Yêu cầu kinh nghiệm

Ông Chen kêu gọi các công ty Trung Quốc tăng sản lượng cá giống vì giá vẫn còn quá cao trong khi tỉ lệ sống thấp. Hơn nữa, nông dân thường xuyên thả giống không đúng thời điểm trong năm, chỉ 4 tháng trong năm có điều kiện thích hợp để nuôi cá tra ở Quảng Đông.

Vào tháng 12/2018, một đợt rét đậm ở miền Nam Trung Quốc đã khiến cá tra chết hàng loạt.

Một số nông dân sử dụng thức ăn cho cá rô phi khi nuôi cá tra. Theo ông Chen, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về chất lượng thịt, thịt chuyển thành màu vàng khiến người tiêu dùng thấy không hài lòng.

"Khi nông dân sử dụng loại thức ăn đúng tiêu chuẩn, điều này giúp giảm tỉ lệ thịt vàng lên tới 95%".

Trong khi đó, nếu khối lượng cá tra được thu hoạch quá lớn, thị trường không thể tiêu thụ hết sản lượng này gây ảnh hưởng đến giá bán tại trang trại.

Ông Chen mong muốn các công ty sản xuất cá tra cố gắng đương đầu với khó khăn, cải thiện chất lượng cá giống, đảm bảo thời gian thả giống chính xác và cải thiện tỉ lệ sống. Sự suy giảm của ngành tôm thẻ chân trắng khổng lồ Trung Quốc như một lời cảnh báo đối với các công ty "không hành động thụ động".

Tình hình cá giống

Vào ngày 23/3, Seafood Giude báo cáo một công ty có trụ sở ở Hải Nam đã chuyển lô cá tra giống 1 triệu con đầu tiên của mình cho một công ty sản xuất thức ăn ở Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây.

Theo báo cáo, cá giống có giá 0,2 nhân dân tệ/con.

Hiện có hàng chục doanh nghiệp lớn và nhỏ sản xuất cá tra giống ở tỉnh Hải Nam và Quảng Đông. "Năm nay chắc chắn sẽ không thiếu cá tra giống ở Trung Quốc", báo cáo nhận định.

Công ty Maoming Yulian Technology có trụ sở tại Quảng Đông dự kiến sẽ thả giống 200 triệu cá tra con trong năm 2019. Từ đó, ước tính sẽ sản xuất 50 triệu cá giống để bán ra ngoài thị trường.

Một công ty khác lo ngại các nhà chế biến của tỉnh Hải Nam sẽ không thể xử lí hết sự gia tăng lớn trong sản xuất cá tra. Tuy nhiên, nếu khả năng chế biến cá tra ở Hải Nam được mở rộng, người ta tin rằng nhiều nông dân tỉnh này sẽ nuôi cá tra trong năm nay.

Linh Giang