|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra Việt Nam: 'Bữa tiệc' không còn dành riêng cho một người

16:08 | 16/04/2019
Chia sẻ
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, thị phần cá tra Việt Nam trên thế giới đang có xu hướng giảm dần, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng khá nhanh của ngành cá tra tại Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2018 ước đạt 2,2 tỉ USD với Trung Quốc là động lực chính khi nhu cầu của thị trường tăng mạnh, góp phần thúc đẩy giá cá tra tăng kỉ lục. 

Tuy nhiện hiện nay, nhiều nước bắt đầu nuôi cá tra như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia... và "miếng bánh" thị phần của Việt Nam đã bị thu hẹp lại.

FAO nhận định, trong năm 2019, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và triển vọng thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể kí kết trong năm nay được xem là những yếu tố tích cực đối với thị trường cá tra trong những năm tới.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam: Bữa tiệc không còn dành riêng cho một người - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việt Nam chỉ còn chưa được nửa "miếng bánh"

Tổng sản lượng cá tra nuôi trồng trên toàn thế giới năm 2018 ước đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, sản lượng cá tra của Việt Nam chiếm tới 45% đạt gần 1,3 triệu tấn. 

Những khó khăn trong nguồn cung con giống cũng đã góp phần khiến nguồn cung cá tra nguyên liệu năm 2018 bị thắt chặt, trong khi nhu cầu ở các thị trường truyền thống tăng cao khiến giá cá tra tăng mạnh.

Đầu năm 2019, một dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung với qui mô lớn 600 ha tại tỉnh An Giang đã được khởi công. Dự kiến dự án này bắt đầu vào quí IV/2019 với kì vọng sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn/năm. 

Tuy nhiên, thị phần cá tra Việt Nam trên thế giới đang có xu hướng giảm dần, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng khá nhanh của ngành cá tra tại Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO)

Thị phần của mỗi quốc gia này hiện đạt khoảng trung bình 15 - 20%. Trong khi đó, tại Trung Quốc, mặc dù qui mô nuôi cá tra còn khiêm tốn nhưng đang trong xu hướng mở rộng do lợi thế về ngành thủy sản phát triển kèm theo nhu cầu trong nước đối với loại cá này lớn. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang là nguồn cung cá tra chính cho Trung Quốc. 

Một báo cáo cho thấy có khoảng 20 nhà máy chế biến cá tra tại khu vực phía Nam Trung Quốc, ước tính sản lượng đạt chỉ khoảng 30.000 tấn/năm. Điều này đồng nghĩa, Trung Quốc sẽ mất thêm thời gian để chính thức trở thành đối thủ của Việt Nam tại thị trường nội địa.

Thêm vào đó, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết điều kiện khí hậu Trung Quốc chưa thích hợp để nuôi cá tra giống như Việt Nam nên sản lượng của nước này vẫn ở mức khiêm tốn.

FAO nhận định tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với cá tra Việt Nam ngày càng tăng. Mặc dù cá tra Việt Nam nổi tiếng tại Trung Quốc về chất lượng nhưng cần lưu ý rằng Trung Quốc vẫn đang có tiềm năng cung cấp sản phẩm này. 

Trong một diễn biến mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đang nghiên cứu việc thành một quỹ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho việc xây dựng thương hiệu và mạng lưới bán hàng ở nước ngoài, giống như Na Uy đã từng làm.

Ngành thủy sản Indonesia cũng đang theo đuổi một chiến lược tương tự nhằm "đánh" vào thị trường Trung Đông. Năm ngoái, nước này đã thực hiện xúc tiến thương mại thương hiệu quốc gia tại Dubai bằng việc tổ chức triển lãm Seafex. Sản lượng cá tra của Indonesia hiện chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường nội địa, tương tự đối với Bangladesh và Ấn Độ.

Kì vọng lớn vào thị trường Mỹ và EU

Trong năm 2019, Mỹ và EU được FAO dự đoán là thị trường trọng điểm đối với cá tra Việt Nam. Nguyên nhân đầu tiên là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tác động lớn đối với mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ khi mặt hàng này bị đánh thuế cao. Điều này đồng nghĩa cá rô phi Trung Quốc sẽ tạo một khoảng trống lớn tại thị trường Mỹ và cơ hội để cá tra Việt Nam "lấp đầy" khoảng trống này. 

VASEP cho hay Theo thống kê của Cục Nghề cá biển Quốc gia (Mỹ), năm 2017, Mỹ nhập khẩu 133.700 tấn cá rô phi, trị giá 426,4 triệu USD.

Trong đó, cá rô phi Trung Quốc chiếm 75% tỷ trọng. Cá rô phi Trung Quốc cũng chi phối phần lớn thị phần cá thịt trắng nhập khẩu của Mỹ trong nhiều năm qua. Năm 2017, sản phẩm này chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25% tổng.

Đồng thời, Việt Nam đã hoàn thiện các điều khoản và thủ tục của thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2018 và dự kiến có hiệu lực trong năm 2019. Do đó, mức thuế 5,5% hiện tại đối với cá tra sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 năm. 

Kết hợp giữa yếu tố sản lượng cá tra Việt Nam đang có xu hướng chững lại và nhu cầu tại các thị trường lớn vẫn đang lớn, FAO dự báo giá cá tra năm 2019 tiếp tục giữ ở mức cao.

Kèm với đó, do sản lượng cá tra của Trung Quốc vẫn chưa cao nên Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp chính cho thị trường này. 

Ông Đào Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường Thủy sản, Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho rằng: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn coi cá tra là sản phẩm quốc gia và đã có chính sách đặc thù riêng, trong đó có nội dung phối hợp cùng Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu sản phẩm này trên thị trường thế giới".

Đức Quỳnh