|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triển vọng kinh tế Trung Quốc lạc quan hơn nhờ xuất khẩu mạnh mẽ

22:37 | 14/07/2021
Chia sẻ
Nhu cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang tăng vọt khi kinh tế thế giới tiếp tục đi lên sau cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra, giúp xoa dịu nỗi lo về triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 13/7, xuất khẩu của nước này đạt 281 tỷ USD vào tháng 6/2021, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng Hai năm nay và cao hơn nhiều so với mức dự báo 23% theo cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của hãng tin Reuters.

Giá trị xuất khẩu cao bất ngờ này cũng tăng 32% so với tháng 6/2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo ông Li Kuiwen, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhu cầu mạnh trên toàn cầu đã hỗ trợ xuất khẩu của nước này. Ông cũng đề cập xuất khẩu sang Mỹ và khu vực Mỹ Latinh đặc biệt tăng mạnh vào tháng trước.

Nhập khẩu đạt 230 tỷ USD, tăng 37% so với tháng 6/2020 và tăng hơn 40% so với tháng 6/2019. Ông Li cho biết giá trị nhập khẩu tăng mạnh một phần là do giá hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Ngoài ra, ông Li cũng cho biết rằng tình trạng tắc nghẽn tại các cảng miền Nam Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt. Như hoạt động tại Diêm Điền (Yantian), một cảng container quan trọng ở Thâm Quyến, đã trở lại bình thường.

Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ là một tín hiệu tốt đối với Trung Quốc, trước khi nước này công bố số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quý II/2021 vào thứ Năm tuần này (15/7).

Gần đây đã xuất hiện một vài dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc và vai trò của nước này trong hoạt động thương mại toàn cầu, trong đó có chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng cao và chuỗi cung ứng bị gián đoạn do việc đóng cửa tạm thời các cảng quan trọng ở miền Nam. Tình trạng thiếu nhiên liệu diễn ra ở các trung tâm chế tạo và xuất khẩu quan trọng của đất nước cũng đã đè nặng lên hoạt động kinh tế.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC - ngân hàng trung ương) thậm chí còn làm dấy lên lo ngại khi thông báo rằng họ sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các tổ chức tài chính, nhằm cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Đây là lần đầu tiên PBoC có động thái đó kể từ tháng 4/2020.

Nhóm phân tích của công ty quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock viết trong một báo cáo công bố hôm 12/7 rằng, họ sẽ theo dõi các dấu hiệu suy giảm trong dữ liệu của Trung Quốc sau khi nền kinh tế này vượt qua qua cú sốc COVID-19 mạnh mẽ hơn so với các nước khác.

BlackRock nhấn mạnh Trung Quốc đã là “một cực khác biệt của tăng trưởng toàn cầu”. Và họ tin rằng đã đến lúc phải coi quốc gia tỷ dân này như một điểm đến đầu tư tách biệt với “các thị trường mới nổi” và “các thị trường đã phát triển”.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý đã tăng trưởng đang bắt đầu chậm lại do lập trường thắt chặt chính sách của Trung Quốc. Ngoài ra, một đợt tăng cường kiểm soát và điều tra đối với các công ty công nghệ lớn tại nước này cũng đang khiến giới quan sát chú ý.

H.Thủy (Theo CNN)

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.