|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Triển vọng giá dầu không mấy khả quan, doanh nghiệp dầu khí đồng loạt giảm kế hoạch lợi nhuận

14:31 | 15/03/2017
Chia sẻ
Các cổ phiếu họ dầu khí vừa rồi đã đưa ra các số liệu kế hoạch kinh doanh sụt giảm mạnh trong năm 2017 dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh không mấy khả quan của năm vừa rồi và ảnh hưởng của giá dầu thế giới.
 

Trong các báo cáo trình đại hội cổ đông sắp tới, các cổ phiếu dầu khí đã đưa ra mức kế hoạch khá khiêm tốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2017. Hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đều đưa ra kế hoạch lợi nhuận sụt giảm so với năm 2016, thậm chí đặt lợi nhuận mục tiêu ở con số âm như PVB.

Đại hội thường niên 2017 vừa qua của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (Mã: PVB) đã thông qua kế hoạch doanh thu đạt 102 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm 24,9 tỷ đồng. Được biết năm 2016, PVB lỗ sau thuế 53,9 tỷ đồng, trong khi trước đó đặt kế hoạch lãi 5,8 tỷ đồng. Nguyên nhân được giải trình do giá dầu 2016 vẫn duy trì ở mức thấp nên hầu hết các dự án đều dừng hoặc dãn tiến độ. Cổ phiếu PVB cũng vừa bị đưa vào diện cảnh báo tại HNX vào cuối tháng 2 vừa qua.

Tuy không đặt kế hoạch lỗ, CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (Mã: PGD) cũng điều chỉnh mức lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 157,7 tỷ đồng tương đương giảm hơn 28% so với năm 2016.

Một cổ phiếu khác cũng thuộc “dòng họ P” đặt kế hoạch giảm lợi nhuận là CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS). Lợi nhuận sau thuế 2016 đạt 987 tỷ đồng, chỉ bằng 65% so với năm 2015, nhưng PVS vẫn tiếp tục điều chỉnh kế hoạch 2017 với mức lợi nhuận sau thuế 410 tỷ đồng, chỉ bằng 41% so với năm trước.

Tuy chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2017, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh 2016 của Tổng CTCP Khoan & Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) cũng có thể dự đoán tình hình kinh doanh của công ty trong năm 2017 không mấy khả quan.

Cụ thể , mức lãi ròng của PVD trong 2016 chỉ đạt mốc 120 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua của doanh nghiệp này. Doanh thu cả năm cũng giảm gần 63% so với năm trước đạt mức 5.360 tỷ đồng. Lý do chính cho việc sụt giảm lợi nhuận là công ty đã giảm số lượng giàn khoan hoạt động, hiêu suất sử dụng giàn cũng chỉ đạt 46%, đơn giá thuê giàn và dịch vụ cũng giảm từ 40-60% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành dầu khí trong 2 năm trở lại đây đã trải qua thời điểm khó khăn khi giá dầu giảm sâu thậm chí về mức đáy 10 năm tại mức giá 27 USD/thùng. Tuy nhiên việc đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC có hiệu lực vào đầu năm nay cũng giúp cải thiện giá dầu trong thời gian sắp tới. Ngày 14/3, OPEC cũng đã có dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu năm nay sẽ tăng lên mức 96,3 triệu thùng/ngày và cao hơn 70.000 thùng/ngày so với dự kiến tháng trước.

trien vong gia dau khong may kha quan doanh nghiep dau khi dong loat giam ke hoach loi nhuan
Cân bằng cung/ cầu trong năm 2017 theo dự báo từ OPEC. (Đv: triệu thùng/ngày).
(Nguồn: OPEC, RongViet Research)

Báo cáo chiến lược 2017 của Chứng khoán Rồng Việt mới đây đã đưa ra nhận định giá dầu sẽ duy trì đà cải thiện bền vững, đồng thời đưa ra mức giá dầu dự phóng 2017 sẽ đạt mức trung bình 57 USD/thùng và có khả năng duy trì mức giá trên 60 USD/thùng vào giữa năm 2017.

Với giá dầu trên 60 USD/thùng, phần lớn các mỏ dầu và khí tại Việt Nam sẽ vận hành trên điểm hòa vốn, từ đó đem đến nhu cầu trong khai thác, thăm dò cũng như dịch vụ dầu khí đi kèm. Nếu giá dầu duy trì được xu hướng tăng bền vững thì đây có thể giai đoạn cho sự đảo chiều về hiệu quả hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề trên.

Tuy nhiên về mặt trung hạn, giá dầu đã tăng gần gấp đôi trong 2016 và khả năng tiếp tục tăng mạnh trong năm nay là khá hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dầu khí cũng đã dự đoán trước và đưa ra các dự phóng kế hoạch khá thận trọng cho năm 2017. Nếu không có quá nhiều yếu tố hỗ trợ bất ngờ, 2017 có thể được xem như một năm không thuận lợi cho các cổ phiếu ngành dầu khí.

Cúc Phương