|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trích máu lợi nhuận xử nợ xấu, hiếm ngân hàng lãi ngàn tỷ

21:22 | 25/10/2016
Chia sẻ
Trước đây, số ngân hàng báo lãi ngàn tỷ đồng là phổ biến, thì nay là chuyện hiếm, số ngân hàng chỉ lãi vài chục tỷ đồng không còn là chuyện lạ.

Ẩn sau những số lãi

Dù đã có kết quả kinh doanh quý III/2016, song đến thời điểm này, mới chỉ vài ngân hàng dè dặt công bố.

Cụ thể, BIDV cho hay, lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 5.623 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 71% kế hoạch năm. Vietcombank cũng báo lãi 6.326 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Đối với khối cổ phần, VIB là một trong những ngân hàng công bố lợi nhuận đầu tiên với lợi nhuận trước dự phòng lũy kế đạt 940 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ.

Nhìn từ những con số lợi nhuận, dường như các ngân hàng vẫn đang sống khỏe. Tuy nhiên, sự thật thì lợi nhuận ngân hàng không đẹp như công bố và gánh nặng tài chính vẫn đang đè nặng các ngân hàng.

trich mau loi nhuan xu no xau hiem ngan hang lai ngan ty

Đơn cử, số lãi của VIB là lãi trước trích lập dự phòng rủi ro. Còn BIDV dù lợi nhuận tăng nhẹ, song theo Công ty chứng khoán HSC, nếu trừ 850 tỷ đồng lãi từ thoái vốn khỏi VIDPublic Bank, lợi nhuận của BIDV thực tế đang giảm. Ngoài ra, nợ xấu của BIDV cũng cao hơn con số công bố, nếu khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai không được Chính phủ đồng ý cơ cấu lại.

Đặc biệt, áp lực tăng vốn đối với BIDV mới là vấn đề đáng ngại nhất. Hiện hệ số an toàn vốn CAR của BIDV chỉ trên 9%, trong khi tỷ lệ vốn cấp 2 trên vốn cấp 1 đã chạm trần. Do đó, BIDV bắt buộc phải tăng vốn cấp 1 nếu muốn cải thiện hệ số CAR. Tuy nhiên, đến giờ phút này, ngân hàng vẫn chưa “chốt” được đối tác chiến lược. Trong khi đó, việc tăng vốn trong nước là rất khó, nhất là mới đây ngân hàng đã phải buộc trả 2.700 tỷ đồng cổ tức tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính, thay vì để lại nguồn để tăng vốn, như phương án trước đó.

Tương tự BIDV, VietinBank cũng đang chờ đợi phương án chi trả cổ tức từ Chính phủ. Một nguồn tin cho hay, nếu bắt buộc phải trả cổ tức như BIDV, VietinBank sẽ phải tính toán lại giá cả trong thương vụ sáp nhập PGBank - đây cũng là lý do thương vụ này diễn ra chậm so với dự tính. Sau sáp nhập, vốn chủ sở hữu của VietinBank sẽ được tăng lên, song khi đó xử lý nợ xấu đối với ngân hàng này cũng nặng nề hơn.

Với Vietcombank, dù kết quả kinh doanh khả quan hơn và đang ở mức “tốt nhất từ trước đến nay”, song tăng vốn cũng đang là áp lực khó tránh, nhất là khi thương vụ bán cổ phần cho GIC (quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) chưa có thông tin.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, rất nhiều ngân hàng khác đang chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, song con số cũng không mấy khả quan.

Huyết mạch nền kinh tế đang yếu dần?

Không thể phủ nhận, những năm gần đây, tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng rất thấp. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) toàn hệ thống chỉ đạt 2,16% và tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) là 0,18%.

“Thời gian qua, các ngân hàng vẫn phải tự xử lý nợ xấu là chủ yếu. Hậu quả của giải pháp này là càng xử lý, càng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều thì sức khỏe tài chính ngân hàng ngày càng yếu đi”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, trước đây, toàn hệ thống ngân hàng lãi 120.000 tỷ đồng, thì hiện nay chỉ còn lãi khoảng 30.000 tỷ đồng, tức giảm tới 90.000 tỷ đồng.

“Hiện nay, các ngân hàng vẫn chủ yếu tự “chích máu” lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Hệ quả hệ thống ngân hàng thương mại cứ suy yếu dần và không có khả năng tăng vốn. Các ngân hàng dần suy yếu, về lâu dài rất nghiêm trọng, vì ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khuyến cáo.

Trong bối cảnh sức khỏe ngân hàng suy yếu, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Chính phủ phải tìm kiếm nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu đồng thời không nên quá “tận thu” để các ngân hàng có điều kiện phục hồi, tăng vốn.

Theo Hà Tâm