Trật tự mới trong ngành dịch vụ tài chính Trung Quốc
Những điều không còn là mơ ở Trung Quốc
Giải pháp thanh toán trực tuyến là một trong những lĩnh vực phát triển sớm nhất, lớn nhất, phát triển nhanh nhất trên thị trường tài chính Internet của Trung Quốc
So với các giải pháp quản lý tài sản truyền thống từ các ngân hàng thì giải pháp từ công nghệ tài chính Internet mang đến giá trị lợi nhuận cao hơn, chi phí đầu vào thấp, thanh khoản cao.
Tài chính cũng là lĩnh vực bùng nổ lớn thứ ba tại Trung Quốc và có nhiều đột phá sáng tạo nhất.
Tại Trung Quốc, một người có thể bước vào cửa hàng thức ăn, chọn món ăn mình thích và trả tiền chỉ bằng một nụ cười qua camera.
Hay đơn giản hơn, một người có thể tự mình hoàn tất thủ tục vay ngân hàng và được chấp thuận trực tuyến ngay sau 1 giây, kể cả trong thời gian ngân hàng nghỉ lễ, hoàn toàn không có sự can thiệp nào của con người.
Thậm chí xa xỉ hơn, hãy tưởng tượng bạn có thể gặp bác sĩ để tư vấn sức khỏe vào giữa đêm thông qua tổng đài trực tuyến có hơn 1.000 bác sĩ.
Với người Trung Quốc, những điều trên đã không còn là những giấc mơ hay tưởng tượng.
Các công ty công nghệ tài chính như Alibaba, Tencent hay Ping An đã và đang biến những ý tưởng ấy thành sự thật với những sáng tạo mới trong công nghệ và dữ liệu.
Không một nơi nào trên thế giới có sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ tài chính như Trung Quốc, nơi mà các startup liên tục mọc lên như nấm và sự ảnh hưởng của công nghệ đã thực sự ăn sâu, tác động mạnh mẽ lên đời sống con người nơi đây.
Những ấn tượng mạnh mẽ
Trong vài năm qua, thị trường tài chính Internet toàn cầu phát triển mạnh mẽ với vô số startup.
Riêng Trung Quốc, gần 20% GDP quốc gia này đến từ nguồn kinh tế - tài chính Internet, với 7 trên 10 công ty công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu thế giới tọa lạc tại đây. Bao gồm Ant Financial, với giá trị khoảng 150 tỉ USD và đang là công ty công nghệ tài chính giá trị nhất thế giới hiện tại.
Rất nhiều yếu tố đóng góp vào những phát triển ấn tượng này. Đáng kể nhất chính là việc chính phủ Trung Quốc đã công khai hỗ trợ các startup và công nghệ mới.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ sử dụng di động ở mức 72%, Trung Quốc đang là nước có mức giao dịch tài chính qua Internet cao nhất thế giới, ở mức 5,7 nghìn tỉ USD mỗi năm. Và cuối cùng, với những cải thiện về dịch vụ ngân hàng, tài chính cho các tầng lớp khách hàng thu nhập thấp mà các công ty công nghệ tài chính mang lại đã tạo một chuỗi hệ quả tích cực, góp phần lớn vào những phát triển vượt bậc cho nền kinh tế quốc gia.
Ba lĩnh vực bùng nổ tại thị trường fintech Trung Quốc
Giải pháp thanh toán trực tuyến là một trong những lĩnh vực phát triển sớm nhất, lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thị trường tài chính Internet của Trung Quốc.
Trong đó, các công ty công nghệ tài chính (fintech) lớn nhất và tiên phong đang nắm giữ phần lớn thị phần thanh toán trực tuyến, như Alibaba sở hữu hơn nửa tỉ khách hàng đang sử dụng. Tập đoàn cũng đang hướng đến trở thành một công ty công nghệ cao, cung cấp, hỗ trợ công nghệ cho các ngân hàng truyền thống.
Quản lý tài sản là lĩnh vực bùng nổ thứ hai trong thị trường fintech Trung Quốc. So với các giải pháp quản lý tài sản truyền thống từ các ngân hàng thì giải pháp từ fintech Internet mang đến giá trị lợi nhuận cao hơn, chi phí đầu vào thấp và thanh khoản cao.
Quỹ tiền tệ Yue Bao của Alibaba với mục tiêu ban đầu để trở thành nơi lưu giữ các tiền lẻ từ nguồn giao dịch trực tuyến, nhưng giờ đây nó đã trở thành quỹ tiền tệ thị trường lớn nhất với 260 tỉ USD ngân sách đang quản lý. Trong khi đó, trên nền tảng thương mại điện tử Lufax của Ping An có hơn 5.000 sản phẩm khác nhau.
Tài chính cũng là lĩnh vực bùng nổ lớn thứ bâ tại Trung Quốc và có nhiều đột phá sáng tạo nhất. Tài chính tiêu dùng, cho vay ngang hàng, tài chính chuỗi cung ứng và quỹ đầu tư công đồng là 4 mô hình phát triển mạnh mẽ nhất.
Tập đoàn Ping An sử dụng hơn 6.000 biến số để tiến hành đánh giá mạo hiểm hay xác định khả năng lừa đảo thông qua đánh giá từng cử động nhỏ của khuôn mặt người vay qua một cuộc phỏng vấn trực tuyến.
Alibaba đã cho vay hơn 299 tỉ USD với khoảng 11 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi khoản vay mất chỉ 3 phút thủ tục và 1 giây xử lý mà không có bất kỳ một can thiệp nào từ con người.
Bên cạnh đó, ngân hàng WeBank của Tencent cũng cung cấp các dịch vụ vay giá trị nhỏ 24/7 cho các khách hàng tin cậy đã được chấp thuận trước qua WeChat, dịch vụ này sử dụng hơn 100.000 tham số từ các dữ liệu của cục quản lý xã hội, thông tin mạng xã hội và các hành vi giao dịch thương mại điện tử của khách hàng. Qua đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi hơn 50% nhân viên của WeBank là các chuyên gia công nghệ.
Các công ty fintech đã mang lại bài học gì cho các ngân hàng trên khắp thế giới?
Đầu tiên đó chính là khát khao phục vụ khách hàng và liên tục đưa ra những thay đổi mới để giúp khách hàng gắn bó hơn.
Chẳng hạn như Tencent đã ký kết hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giao thông, truyền thông kỹ thuật số, giải trí để những người dùng WeChat dễ dàng truy cập vào nhiều dịch vụ, thông tin mới phục vụ đời sống của họ.
Hay Ping An, một công ty bảo hiểm truyền thống, đã lấn sân sang các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ y tế, dịch vụ căn hộ và cả ô tô. Giờ đây, dịch vụ y tế Ping An Good Doctor cho phép truy cập trực tuyến để kết nối với hơn 1.000 bác sĩ nội bộ và 60.000 bác sĩ bên ngoài cho 160 triệu người dùng.
Bài học thứ hai là dành sự tập trung cho công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).
Các công ty fintech Trung Quốc luôn tạo được sự cạnh tranh rất lớn thông qua thu thập hàng nghìn dữ liệu và tích hợp chúng một cách hài hòa để đưa ra các thông tin, nhận định chính xác về khách hàng.
Ant Financial đã sử dụng các dữ liệu giao dịch, dữ liệu hành vi, dữ liệu nhân khẩu học để phát triển hệ thống đánh giá tín dụng mới gọi là Sesame Credit.
Ngoài Ant Financial, Ping An cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) để phân tích các dấu hiệu bệnh truyền nhiễm theo thời gian thực, đưa ra các dự đoán như mức độ tiến triển của dịch cúm trong một khu vực nhất định.
Bài học cuối cùng là về mức độ đầu tư vào công nghệ cao trong thời gian dài.
Gần đây Alibaba đã đưa ra thông báo sẽ đầu tư hơn 15 tỉ USD để nghiên cứu, phát triển công nghệ để dẫn đầu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Ant Financial cũng đã có hơn 90 sáng chế trong công nghệ blockchain, hơn bất kỳ ngân hàng nào khác trên thế giới. Còn Ping An đã dành 1% lợi nhuận mỗi năm để phát triển công nghệ và đã đang có hơn 20.000 chuyên gia dữ liệu.
Liệu có phải các ngân hàng truyền thống đã bị bỏ lại quá xa trong cuộc cách mạng mà các công ty công nghệ tài chính đang mang đến tại Trung Quốc?
Câu trả lời là đúng, nhất là khi một số các công ty công nghệ tài chính này đang ấp ủ giấc mơ và tham vọng toàn cầu. Các ngân hàng trên thế giới cũng nên lo ngại về tương lai của mình, nhất là khi đối thủ cạnh tranh là những "cá mập" fintech.