Trao Giấy phép hoạt động cho SHS sau sáp nhập với SHBS
Quý I, SHS báo lãi trước thuế gần 169 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ | |
SHS bị phạt 250 triệu đồng vì cho khách hàng ký quỹ vượt sức mua và mua cổ phiếu khi không đủ tiền |
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trao Giấy phép hoạt động cho SHS sau sát nhập với SHBS |
Theo đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sáp nhập với Công ty cổ phần Chứng khoán SHB (SHBS) bằng hình thức hoán đổi cổ phiếu. Cổ đông của SHBS sẽ chuyển đổi thành cổ đông của SHS với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như cổ đông hiện hữu của SHS. Đồng thời SHBS sẽ chấm dứt hoạt động.
Tỷ lệ hoán đổi cổ phần được hai bên thống nhất là SHS:SHBS = 1:2,78. Tức là tại ngày chốt danh sách để thực hiện việc sáp nhập, cổ đông SHBS sở hữu 2,78 cổ phiếu của SHBS sẽ nhận được 1 cổ phiếu của Công ty sau sáp nhập (SHS). Vốn điều lệ SHS tăng gần 54 tỷ đồng lên mức gần 1.054 tỷ đồng sau sáp nhập.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc SHS cho biết, với mục tiêu nâng cao quy mô hoạt động, phát triển bền vững, giữ vị thế top đầu trên cả hai sàn giao dịch, cùng với đó là chiến lược nâng cao năng lực, lành mạnh hóa cơ cấu tài chính, SHS đã lựa chọn SHBS, một công ty chứng khoán lâu năm và có uy tín trên thị trường để thực hiện sáp nhập.
Việc nhận sáp nhập SHBS nằm trong chiến lược phát triển dài hạn và căn cơ của SHS và phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thị trường chứng khoán.
Số cổ đông được hoán đổi cổ phần là 20 người. Số lượng cổ phiếu thực tế SHS phát hành để hoán đổi là 5.395.674 cổ phần. Toàn bộ số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kết quả phát hành.
Cùng với đó, để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan trước, trong và sau quá trình sáp nhập, SHS đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như: đối với cổ đông, SHS mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông mỗi bên (nếu có yêu cầu).
Đối với chủ nợ, SHS đã bố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sáp nhập và yêu cầu các chủ nợ đối chiếu, xác nhận công nợ; gửi thông báo cho các chủ nợ của SHBS về việc chuyển giao toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp, các nghĩa vụ tài sản, nghĩa vụ với chủ nợ cho SHS.
Đối với khách hàng: Toàn bộ khách hàng của SHBS được chuyển giao cho SHS. SHS kế thừa tất cả các quyền và nghĩa vụ của SHBS đối với khách hàng và cam kết cao nhất về đảm bảo mọi điều liện quan đến giao dịch và quyền lợi, nghĩa vụ sẽ được thực hiện như SHBS đã giao kết với khách hàng trong và sau khi sáp nhập.
Đối với người lao động: SHS đã tiếp nhận toàn bộ 24 người lao động của SHBS. Người lao động của SHBS được hưởng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ theo quy định của SHS.
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước: SHS chịu trách nhiệm và thực thi tất cả các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính với nhà nước mà SHS và SHBS phát sinh trước và sau ngày sáp nhập.
Theo ông Tiến, việc sáp nhập thành công SHBS vào SHS sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc tái cấu trúc các công ty chứng khoán, giúp cho các công ty có thể đi nhanh hơn trong quá trình lành mạnh hóa tình hình tài chính hoặc gia tăng quy mô, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngành chức năng đã thực hiện tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán từ năm 2012, đã hợp nhất được 8 công ty chứng khoán. Tuy nhiên, với trường hợp sáp nhập thì đây là trường hợp đầu tiên.
“Tôi nghĩ rằng việc sáp nhập này sẽ có lợi cho cổ đông của 2 công ty, nằm trong định hướng tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Trong thời gian qua chúng ta đã giảm từ 104 công ty chứng khoán xuống 77 công ty chứng khoán”, ông Sơn thông tin.
Theo ông Sơn, dưới góc độ cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất khuyến khích hợp nhất và sáp nhập các công ty chứng khoán, còn đối với công ty chứng khoán không đảm bảo điều kiện sẽ đình chỉ và rút giấy phép hoạt động.
“Quan điểm của chúng tôi là sẽ phải làm lành mạnh hóa khối các công ty chứng khoán, để cung ứng được những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”, ông Sơn nói.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SHB Nguyễn Thế Minh cho biết, hiện công ty có hơn 4.000 khách hàng đang giao dịch và 11 nghìn khách hàng có tài khoản của công ty. Công ty đã thông báo việc sáp nhập và khuyến cáo khách hàng để việc giao dịch của khách hàng không bị ảnh hưởng.
“Tôi cho rằng điều lo lắng nhất là xảy ra việc tranh chấp giữa khách hàng với tổ chức thực hiện sáp nhập. Nhưng chúng tôi tự hào rằng, tất cả các khách hàng của công ty đều hài lòng với vụ sáp nhập”, ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, nếu nhìn ngắn hạn thì tùy theo cách nhìn và tùy theo quan điểm ranh giới giữa được và mất không rõ ràng. Nhưng nếu nhìn dài hạn thì đây là thương vụ có lợ cho công ty, bởi khi duy trì một “cơ thể” yếu ớt thì chắc chắn rằng, các khoản đầu tư của cổ đông cũng khó có thể sinh lợi chắc chắn.
“Nhìn về tỷ lệ quy đổi có thể thấy thiệt hay là chưa hợp lý, nhưng trong tương lai khi thực hiện sáp nhập thì công ty có tiềm lực tài chính lớn. Tôi nghĩ rằng, vụ sáp nhập này cổ đông đã nhìn vào bài toán dài hạn chứ không phải bài toán ngắn hạn”, ông Minh nói.