Trầm lắng thị trường bắp lai
Giá đi... ngang
Chúng tôi đến tỉnh Đồng Nai, địa phương vốn lâu nay được coi là “vương quốc” bắp lai với diện tích có thời điểm đạt 60 ngàn ha, còn nay theo số liệu của Chi cục BVTV tỉnh còn lại khoảng 48 ngàn ha.
Thế nên, rảo quanh một vài đại lý bán giống bắp lai trên địa bàn xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, chúng tôi ghi nhận thị trường giống bắp lai năm nay có phần đơn điệu và trầm lắng mặc dù đang vào tháng 5, bước vào vụ bắp hè thu năm 2019.
Theo chị Vân, chủ đại lý bán giống phân bón ở ấp 4 xã Sông Ray, ba năm nay giá các loại giống bắp đỏ (còn gọi bắp lai) vẫn đi ngang, không thay đổi từ 100 - 120 ngàn đồng/kg, cụ thể các giống chủ lực như Syngenta có NK 7328 giá 120 ngàn đồng/kg, NK 6639 là 118 ngàn đồng do Cty Lộc Trời (tên gọi trước đây là BVTV An Giang) phân phối; tiếp theo là Bayer (mua lại Monsanto từ năm 2018) có DK 6919 là 120 ngàn đồng do Cty CP Giải pháp NN Tiến tiến phân phối; Cty Hạt giống CP Thái Lan có CP 333 là 105 ngàn, CP 512 là 120 ngàn đồng; Cty Advanta có Pac 339 và 999 giá 115 ngàn đồng/kg.
Giống chuyển gen kháng sâu và thuốc trừ cỏ có giá cao không nhiều so với giống thường, tuy nhiên hiện cũng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần.
"Có thể nói dẫn đầu thị trường vẫn luôn là Cty Syngenta sau đó là Bayer và Cty CP Seed Thái Lan, Advanta. Riêng các Cty có tham gia thị trường trước đây như Pioneer, Bioseed (Ấn Độ), SSC (Cty CP Giống Cây trồng miền Nam)... họ cũng rút hết trên thị trường không còn bán giống nữa", chị Vân chia sẻ.
- Vậy các giống kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ như thế nào? - Tôi hỏi.
“Cách đây 3 năm, lúc vào thị trường năm 2016, các giống chuyển gen như NK 7328 Bt/GT của Syngenta và DK 6919S của Monsanto bán giá rất cao từ 180 - 200 ngàn đồng/kg, nhưng sau đó họ buộc phải hạ giá vì nông dân chê đắt, hơn nữa năng suất theo quảng cáo thì cũng không cao lắm so với giống thường. Hiện nay, giá bán chỉ còn 135 - 140 ngàn đồng/kg, chênh lệch không cao so với giống thường và cũng chỉ chiếm thị phần chừng 30% thôi”, chị Vân nói.
Diện tích bắp lai tụt dần
Ông Lê Trọng Sâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Sông Ray cho biết thêm, giá bắp thương phẩm vào tháng 5 năm ngoái được 5.700 - 5.800 đồng/kg (độ ẩm 17 - 18%), còn năm nay tại thời điểm này chỉ còn 5.200 - 5.300 đồng/kg. Bên cạnh đó, cây dâu tằm ở địa phương hiện nổi lên như một cây trồng mới rất hiệu quả do bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc, nên nông dân địa phương phần lớn chuyển diện tích bắp lai sang trồng dâu tằm.
Diện tích trồng bắp lai có tưới dần được thay thế bằng cây ăn trái có hiệu quả hơn.
“Trồng dâu tằm cho thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với bắp lai lấy hạt. Hơn nữa, trong những vụ gần đây, nông dân trồng bắp lai còn phải đối mặt đầy rẫy khó khăn do tình hình hạn hán cũng như giá bắp thương phẩm thường xuyên xuống thấp so với vụ trước. Vì thế, diện tích trồng bắp của xã năm 2018 có 1.200ha nhưng năm 2019 dự báo sẽ giảm 200 - 300 ha nữa”, ông Sâm nói.
Tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, nơi nổi tiếng về trồng bắp lai với diện tích hàng năm khoảng 1.400 - 1.500ha. Tuy nhiên, gần đây địa phương này đã có bước đột phá khi mạnh dạn chuyển một số diện tích trồng bắp lai truyền thống sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Đơn cử, chỉ riêng 2 ấp Tây Minh, Đông Minh từ vùng trồng bắp lai thuần túy đến nay đã có chuyển sang trồng hơn 30ha cây công nghiệp, cây ăn trái cho thu nhập khoảng nửa tỷ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng 1 bắp 2 lúa hoặc 2 bắp 1 lúa.
Một đại diện Cty Hạt giống CP Thái Lan, đơn vị thâm niên có tiếng trong việc sản xuất, nhập khẩu, cung ứng giống bắp lai từ trước đến nay, thừa nhận tình hình cung ứng giống bắp lai của các Cty nhìn chung đều gặp khó khăn, giảm doanh số rất nhiều so trước đây. Vì vậy, Cty này cũng đã và đang nhập khẩu phân bón NPK từ Thái Lan về bổ sung ngành nghề kinh doanh.
“5 năm trước, các Cty giống cung ứng trên thị trường tổng cộng khoảng 800 tấn giống bắp lai cho 3 tỉnh là Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận, trong đó khoảng 70 - 80% giống được nhập khẩu từ Thái Lan như của Syngenta, Bayer, CP, Advanta với giá bán hơn 100 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, đến nay số lượng cung ứng giảm còn chưa tới phân nửa (nếu tính mật độ trồng thực tế là 20 kg/ha, mật độ theo khuyến cáo chỉ có 15 - 17 kg/ha - PV), vì thế mà lợi nhuận từ mặt hàng giống mặc nhiên cũng giảm theo”, vị này nói.
Cơ sở bán giống bắp lai.